Tri Tuc tam Thuong Lac

                                                         

Tri túc là biết đủ. Biết đủ thì không có  ao ước thèm muốn gì ngoài cái mình đang có. Bằng lòng vói hiện tại và không thèm thuồng những cái người khác có. Có tri túc thật thì nhìn ai cũng vậy mà thôi, và bằng lòng mình, bằng lòng người và có an tâm.

Theo chân lý tối thượng thì học tập TRI TUC không cần phải cố công thay đổi lối sống, hay xoay ngược vòng tư tưởng mà nó sẽ tự đến với ta một cách rất tự nhiên khi ta đã thấm nhập lẽ Vô thường, hiểu luật Nhân quả và biết rằng Quá khứ đã đi rồi và Tương lai thì chưa đến, chỉ có cái ở đây bây giờ là thật thôi.

Còn nếu khi thực tập tri túc mà có tâm mong thường lạc thì lại sa vào cái phải, cái không phải, cái hơn cái kém, thế là mất tri túc rồi. Nghĩ đến kết quả như ý thì lại mất luôn cả vô cầu. Mà nếu vô cầu dính thêm  hy vọng có phẩm cách tự nó lên cao thì lại phạm vào lỗi Cầu cái cao bỏ cái thấp, lại sa vào "chấp pháp" bế tắc ra không nổi nữa.

Vô cầu là không xin sỏ lạy lục gì hay ai để thay đổi một tình trạng vật lý hay tâm lý của mình, cũng không đề cập đến hay dở, nên hay không nên, làm hay không làm, cao thấp, hơn thua, nhiều ít, yêu ghét, muốn hay bỏ, có như thế thì mới đúng thái độ của tinh thần vô cầu. Có "tri túc" tức là "vô cầu" đi ngay đằng sau, tới liền. Vô cầu là không cần xin thêm gì cả . Tại sao? vì chính bản thân mình đã là "chân tâm" thường trú rồi mà. Cho nên không nên nói đến phẩm tự cao nữa mới phải, vì nghĩ đến phẩm tự cao là có bậc thang giá trị rồi. Phẩm cao tốt hơn phẩm thấp. Là muốn phẩm cao nên nói vô cầu thì tự mâu thuẫn. Vô cầu tự nó sẽ đến khi :

1-    tâm đã tự nhiên tri túc

2-    tâm tri túc có thì còn cầu gì nữa, đủ rồi mà, an rồi mà. Đã biết tự tánh của vạn  pháp là trong sáng thanh tịnh và thường lạc, muốn được như thế thì "trở về với thực tánh của mình chứ không cần đi cầu thêm gì khác".

Mình có cái thật mà chạy đuổi theo cái hư, quên thật mình là gì, đi theo ảo tưởng danh lợi bề ngoài, ham mê vật chất, hay dục lạc, tưởng có thể giữ được cái vô thường, bỏ mồi hiện tại, bắt bóng quá khứ tương lai  thế là sẽ đi đến thất vọng khổ đau não nề. Đi đến khổ đau không phải tại ai gây ra cho mình mà chính vì mình nghĩ nhầm về "mình-là-ai", nghĩ nhầm về "ngoại giới", cuối cùng bị xoắn suýt vào : muốn, bỏ, yêu, ghét, hơn, thua, cao, thấp rồi sinh ra tranh dành, giận dỗi, ít thì hục hặc nhiều thì chiến tranh.

Tuy nhiên, tại sao có người học cả đời mà vẫn không đi đến đâu, cứ như người dậm chân tại chỗ?

Lấy thí dụ câu  "Tri túc tâm thường lạc", nếu hiểu là "muốn tâm vui thì phải biết 'có đủ' ". và như thế cứ lo "dậy dỗ cái tâm mình phải biết là đủ rồi, đủ rồi". Nhưng biết thế nào là đủ, đủ là từ chối những cái đến với mình hay sao? đủ là không "tiến" hơn thế này nữa hay sao? Thái độ này rất nguy hiểm chỉ đào tạo nên một số người "ỳ ra" với một thứ an tâm không có tâm an ... vô tình và vô tích sự. Hay là trong sinh hoạt, nếu có hành động thì vẫn không bỏ được tham, giận và mê lầm.

 

Còn nếu suy tư để hiểu từ gốc gác của nó rồi nhận xét với tỉnh thức thì sẽ thấy rõ ràng rằng:

1-    Sống với Vô thường thì có tham cũng không được, có ôm cũng không xong, không muốn đủ cũng phải đủ. Tất cả các hiện tượng đều theo duyên mà biến hiện thì làm sao mà nói chuyện đủ hay không đủ?  Hôm nay bảo là đủ nhưng ngày mai có hơn thì sao? ngày mốt kém đi thì chẳng lẽ là không đủ nữa sao? nay trẻ mai già thì sao? nay khoẻ mai ốm thì sao? Nay giầu mai nghèo thế nào gọi là đủ chớ?

2-   

Vì thế cho nên theo vô thường: tới đâu biết mình đứng ở đó chính là biết đủ , hiểu lý duyên sanh chính  là biết đủ vậy. Tuy nhiên cũng nên nói thêm là vì nhờ có vô thường mà ta có thể thay đổi để dần dần trở về với bản tính thanh tịnh tốt lành của ta hơn. Vậy vô thường là một đồng minh chứ không phải là một nguyên nhân để chán đời hay để hận sầu và hết nhuệ khí..

3-     Nhìn vào thời gian nội tâm thì quá khứ đã đi thật rồi chỉ có ký ức không thật còn lại. tương lai không bao giờ có, khi nó tới thì nó đã trở thành hiện tại rồi. Không có quá khứ không có tương lai thì luyến tiếc quá khứ là vọng, hy vọng sắp đặt tương lai là vọng. Nhưng có phải sống với hiện tại là không làm gì cả không? Xin trả lời là: Không, nhờ không bị ràng buộc vào quá khứ đã mất và tương lai chưa đến mà ta có tự do để thay đổi cuộc đời ta theo hướng thiện , tuỳ duyên mà lèo lái con thuyền đi đến hạnh phúc, tăng cường lòng tự tin và từ bi.

 

Nói tóm lại khi đã hiểu như thế thì thái độ tri túc và vô cầu sẽ tự nó đến với ta như một lối sống tự nhiên. Không nghĩ đến mong thường lạc mà tự nó cứ lạc, không cầu xin mà mọi sự cứ thành tựu. Sống thanh thản chỉ lo thẳng tiến mà mỗi ngày một hơn, vì trí tuệ sáng đưa đường chứ không cần phải hành xác để thực tập hạnh Tri túc và Vô cầu..Chỉ cần tỉnh thức nhìn luật vô thường, nhân quả, và nhận xét đúng về thời gian không gian tâm linh. Tuỳ duyên mà  làm việc lành, tuỳ duyên mà tạo thiện.

 

Khoa học ngày nay đã xác nhận chân lý vô thường này và luật nhân quả cùng thuyết vạn vật do nhiều nhân duyên họp lại mới thành nên các sự vật hoặc vô hình hoặc hữu  hình, hoặc vô tình hoặc hữu tình.Chúng ta cũng vẫn cần có kế hoạch, vẫn có hy vọng thành tựu kế hoạch nhưng khi kết quả đến dù ưng ý hay không, nên chấp nhận nó như-thế-là-như-thế đã, rồi sẽ lại định kế hoạch tiếp theo. Sống không thất vọng, và không lùi bước. Không hy vọng kết-quả-bằng-được thì không thất vọng, cứ hết mực trau dồi không sao nhãng thì sẽ không hụt bước được mà dù có hụt bước ta vẫn có cơ hội tiếp tục làm lại.

Chúng ta không nên đồng hoá thành công với "được như ý", cũng như thành công với thành nhân. Chúng ta cần tiến lên mỗi ngày làm một người tốt hơn, sung sướng hơn, có ích hơn nhưng chúng ta sẽ không có mặc cảm với hiện tại vì chúng ta không so sánh với ai, không so sánh vì phải chăng đã biết đủ, biết đủ vì đã thuộc bài học vô thường và biết vạn vật do duyên sanh, vì biết chúng ta có sự tự do chọn lựa mỗi giây phút trong đời.

Chỉ cần nhìn vào nội tâm mà đi, hễ thấy phiền não đến thì biết là mình đã đi trật bước hãy trở lại ngay, cần phản tỉnh và cần thông tin và chia sẻ. Không chấm điểm, không dân vận bằng óc, chỉ thành thật mà nói bằng con tim.

Ai hiểu muốn cùng đi thì đi cùng nếu không thì lại "thường độc hành thường độc bộ" đi với thiên nhiên, thiên nhiên không biết phê bình cũng không có mặc cảm, không biết cười và cũng không khen chê. Nhiều khi người hữu tình cũng thấy buồn nhưng mà buồn khác, mà phiền não khác. Thà buồn còn hơn phiền não. Buồn nó vẫn có cái an tâm của nó trong đó.

Đạt đạo đồng du là thế. Người hiểu chân lý cùng đi hay là người cùng đi trên đường chân lý cũng vậy. Nghĩa không có sai mấy. Tốt nhất là hiểu như thế này: những người đã hiểu Chân lý của "cuộc đời và người"và "vũ trụ vạn vật" thì cùng hưởng an lạc trong tâm với nhau ở cõi đời này.

Tóm tắt:

 Chân lý=vô thường=là sinh lão bệnh tử, là 100 thứ phiền não trong tâm biến chuyển không ngừng quanh ngày tháng. Thí dụ : muốn không được, thương thì ở xa, ghét lại ỏ gần, có thân này, có tai mắt mũi miệng là khổ rồi, là bị cầm tù rồi?

 Chân lý=nhân quả.= học kỹ thì thi đậu không ai học hộ được, gió to thì cây đổ, chăm bón cho nó thì nó sống.

 Chân lý= vô ngã= không có một cái gì tự nó ở trên trời rơi xuống một mình nó, mà phải nhờ nhiều duyên chằng chịt mới họp thành. Thiếu duyên ắt phải tan rã thôi.

Chân lý=duyên sanh.=Vô ngã. Vô ngã  không thể dịch là không có ngã, mà phải dịch là không có một tự thể bất di bất dịch và đứng một mình nổi trong trời đất. (không liên hệ). Do đó không có vấn đề diệt ngã đặt ra, vì "diệt ngã" là phủ nhận chân lý "Vô Ngã", thuyết "Duyên sanh" và luật "Nhân quả", là những sự thực có thể nhận ra dược một cách rất khách quan. Cũng không thể diệt khổ, vì con người có mặt trên thế gian này là vì nghiệp tham, giận, và không suy nghĩ một cách tỉnh thức. .. cho nên khổ. Diệt khổ được thì vô tình phủ nhận liên hệ duyên sanh, lòng từ bi, nguyện tự độ, độ tha, và luật nhân quả. Hơn nữa, chữ "diệt" mang nhiều nét "tạo tác" "làm tới" và" bạo động" khác với sự thật "như thế" "vô vi", và "trở về" với bản tánh "vô ngại đại bi". Cũng vì cái khổ mà ta phát tâm thoát khổ để thông cảm với sự khổ đau của người, và  cũng vì cái kinh nghiệm khổ của ta và sự thông cảm này mà ta nung nấu lòng dũng cảm bảo vệ sự sống, và tình thương cho mọi loài. Tất cả mọi ngóc ngách trong thái độ sống kể cả tri túc, kể cả vô cầu đều đi về một mối sự thật hiển nhiên là Vô Thường và Duyên Sanh vô ngã.  Rồi lại một sự thật nữa là : cái "Khổ" ở đây như một duyên đưa dến cái nguyện "giải thoát" và đoàn kết trong sự sống yêu thương.

Khi chúng ta hiểu và nhìn thấy rõ liên hệ của các pháp thực tập với những chân lý hiển nhiên của vũ trụ, công việc tu thân có vẻ nhẹ nhàng hơn và điểu hoà hơn như người thả bè xuống sông mà "được nước", như người leo núi vào ngày trời cao gió mát. Cứ sống hợp, sống theo, và sống đúng với chân lý thôi, như diều có gió vậy.

 

                                               Jenny Hoang