Người già ở
Quê Hương
Người già
trong nước ta thuộc thế
hệ đã ít nhiều sống cuộc đời niên thiếu của mình trong chiến tranh và ly biệt.
Nay đã nghỉ hưu, họ vui với số bạn bè cùng lứa tuổi và con cháu. Đa số là dân
lương thiện chí thú làm ăn tuy đã từng trải qua nhiều chặng đường kham khổ và
giờ đây chỉ mong được yên thân dưỡng già. Số còn lại có những tính cách đặc biệt
sau đây:
1/Có tài đức đã làm xong việc
thủa thiếu thời, nay buông tay, làm nhàn đạo nhân. Vẫn còn học, viết, giữ sức
khỏe và chơi với cháu. Đời sống của họ là “nguồn cảm hứng”cho ai đã được nghe
tiếng và nếu may mắn được đến gần. Dù có khiêm nhường tới đâu, họ cũng đã để lại
danh thơm muôn thủa, ghi tạc đá
vàng.
2/Có tài
đức, già rồi mà còn làm được việc nhiều lắm, làm mà không quản công sức, mong
cho sống mà làm mãi, không màng tư lợi. Họ không biết thị phi là gì, cũng không
suy nghĩ phức tạp, óc chuyên viên chiếm gần hết cái đầu. Họ có cái cười tươi và
nét mặt vô tư, chỉ than là bận, nhưng bận của họ là một niềm vui nội tâm miên
man. Ngồi gần những người này dù giầu có đến đâu cũng thấy mình
nghèo.
3/Đã có một
thời làm được việc nhưng nay không làm được nữa, tuy nhiên bởi lẽ không bỏ được,
thành ra thất chí, thành ra uẩn ức, tầm mắt hẹp lại,
chỉ nói
chuyện quá khứ của mình và ngồi phê bình tiêu cực chửi rủa tùm lum, cau có, khó
khăn. Số người này không ít đâu, gặp họ thì phải co giò lên mà chạy ngay
đi.
4/Ngày thiếu niên vất vả khổ
sở lao luân vì binh đao lửa đạn, nay kinh tế phát triển hơn thời đó, bèn hưởng
cho đã, phè phỡn và cho như thế là ưu tiên cuộc đòi, tuy “cóc ngồi đáy giếng” mà
tưởng là mình đã có tất cả. Số người này nếu còn có chút lòng hay nếu không
thuộc vào loại hách sằng thì không sa vào cảnh tham quan ô lại. Nếu còn tham
quyền cố vị, xưng bá đồ vương thì sẽ thành hạm già, có thứ lớn thứ nhỏ. Nếu mình
không ham rượu, trà, càfê, thuốc lá, và ít ăn thịt, không ham cháo lòng tiết
canh và lê la ở các hàng quán thì không lo, không gặp họ
đâu.
5/Thủa thiếu thời vất vả mới
sống nổi, nay cố sức vươn lên lao lực lao tâm làm giầu để dành, nếu có chết đi
thì để cho con cháu. Chỉ lo cho mình nhỡ ra ngày mai vô thường lại rơi vào tình
trạng đói kém như thế thì sao? Cũng là một thứ hạm cỡ nhỏ, hèn hèn. Họ gặp mình
thấy không có lợi lộc gì họ sẽ tránh mình ngay.
6/Có một số còn nửa đã bỏ đua
chen, nửa còn thèm hưởng tý lộc của thời bình. Họ tuy có vẻ dưỡng già nhưng còn
đeo trên vai nhiều tham vọng nho nhỏ không bao giờ thành, thật tội nghiệp. Nên
thông cảm cho họ, 40 năm sống kham khổ đây là những ngày đầu tiên được nếm một
tý mùi trưởng giả.
7/Một số khá đông không thể
nói là họ còn tham sống se sua với đời, vì họ đã ra khỏi vòng chiến rồi, nhưng
chỉ còn lo nhiều quá mà thôi. Lo và sợ...nên sống trong tình trạng phòng thủ một
quá khứ vô hình.
Bình luận :
Số 1 - Bất kể sang hèn, giầu
nghèo, nếu đến tuổi già mà quẳng được quá khứ sang một bên, gom góp những gì đã
lượm được trong cái đầu của mình và bước tới, sống thiện, sống thanh thản và vui
với những bài học mới thì nhất rồi.
Số 2 - Những vị còn làm việc
cho đời một cách vô vị lợi, ở tuổi này, là những người quá đặc biệt, những viên
ngọc quý của đời, hết chỗ nói.
Số 3 – Người già ngồi đây mà
“gặm nhắm vinh quang quá khứ “ bỏ quên hiện tại thì khác gì một hòn cuội hả?
Muốn trở lại làm người không dễ đâu. Như là có một bức trường thành làm chướng
ngại trước mắt, như là một người ngủ say sống cuộc đời nào trong mơ. Ai đánh
thức dậy nổi cho đây? Làm sao phá nổi thành trì này? Trước tiên là phải lắng
lòng ngồi yên để bình tĩnh đã, để cho mình một cơ hội....
Phản tỉnh...Phản tỉnh là điều
phải xẩy ra trước tiên, rồi từ đó, tự mình bắt đầu, tự mình tiếp tục... cho đến
khi chân lý của hiện tại hiện ra trước mắt: mình là ai, ở đâu, hiện thực trước
mắt là gì? vũ trụ có những luật gì chi phối ta? Vai trò của quá khứ và tương lai
trong giờ phút này là gì?
Số 4 – Sống hướng ngoại nhiều
thì dễ bị chi phối lắm. Hãy tìm về nội tâm, như trước một cây sóng lớn người
đang bơi chúc đầu xuống nhảy vào lòng biển sâu. Nội tâm có một sức mạnh như ngọc
quý để chống gió độc. Bề ngoài ta vẫn có thể hưởng phú quý nhưng ta không lệ
thuộc vào nó. Ngược lại ta còn có thế “dùng” nó như một phương tiện để làm việc
lợi mình lợi người.
Số 5 – Sợ thiếu, sợ mất là
một bịnh tâm lý phổ thông như đi nắng về thì rức đầu và ăn nhiều thì tức bụng :
dễ chữa thôi! Nếu suy tư thường xuyên về vô thường, lắng lòng nhìn những xoay
vần của vũ trụ và học “tri túc” thì sẽ có an tâm trở lại và sẽ có cuộc đời nhàn
đạo nhân như ai.
Số 6 và 7 – Chỉ cần tỉnh thức
để đừng sống quá mức mà mất đi Chân Tâm. Vì cuộc sống phè phỡn vật chất dễ làm
cho người ta mê ngủ mà quên mình là ai và quên những người chung quanh mình
không được no ấm như mình. Số “6 và 4” này có sự lựa chọn như sau: Vì đã qua
cầu, nên muốn trở lại dắt người khác, hay qua cầu rồi sống chết mặc bay về nhà
chén một bữa no say rồi đi ngủ khèo? Đã phải làm một nàng dâu khổ cực thì mai
mốt này sẽ là một bà mẹ chồng quảng đại phúc hậu ? hay sẽ lại còn ác độc hơn
người đã hành hạ mình?
Vì “sợ mất”
cái “đã mất một lần rồi”, hay là sợ “sẽ mất” cái chưa nắm được chắc trong lòng
bàn tay ? Tất cả những mối lo sợ này chỉ là gió độc thổi ngoài vườn cây mà
thôi,. Ngay cả cái vội vàng hưởng thụ, ăn cũng chọn cái tô cho lớn, uống cũng
ước gì có vài ly thêm... tất cả coi như sợ ngày mai không có những cái đó mà ăn,
mà uống. Người ta sợ gió ở ngoài vườn quá đi, chỉ vì họ không nhìn thấy có một
chỗ trú ẩn an toàn, là căn nhà nội tâm đó. Nội tâm vững mạnh giầu có, thì gió
độc ngoài vườn có đến rồi cũng có lúc phải đi. Rồi có trở lại cũng chẳng
sao.
Lắng lòng lại, rồi nhìn ra
ngoài không hốt hoảng với khen và chê, cũng không hy vọng lắm với
cái không cái có. Rồi ra sẽ thấy những liên quan chằng chịt giữa
mình và mình, giữa mình và người, giữa người và người, trong sự thay đổi không
ngừng của vũ trụ dưới ảnh hưởng thời gian và không gian. Từ đó ta nhìn ra nhân
quả: cái đến trước và cái theo sau rồi trách nhiệm của ta đối với tương lai. Và
biết là ta phải làm gì, và làm được gì trong tầm tay ta. Lo lắng sợ hãi chỉ là
hoang đường làm phí nguyện lực và trí suy tư. Mỗi lần đối diện với cái sợ như
thế, ta coi như nó đến từ một hành tinh khác, không dính dáng mấy gì đến ta cả
là xong.
Trên đây ta mới nói đến những
vị đã trong tuổi hưu, còn phần tuổi trẻ thì phức tạp hơn ở chỗ thiếu cái “thành
tích cách mạng kháng chiến”, và không còn lý tưởng “anh hùng cứu quốc”. Đồng
thời lại bị ảnh hưởng những cái xấu của tư bản ngoại lai, những thói quen rất
nông cạn như cinê, ma tuý, trai gái, rượu chè, những thú ăn chơi chóng tàn như
lửa đốt bằng giấy.
Nói tóm lại
: Ở quốc gia nào cũng thế, một số người tuổi trẻ thời nay, với kiến thức sống
hẹp hòi, kinh nghiệm không có, lại
sức hỗ trợ để chống lại gió độc cũng không, họ sẽ không có cơ hội huân tập tinh
thần trách nhiệm, trong một lối sống vị tha và một thân thể cường tráng có thể
tự kỷ luật và chịu được kham khổ. Tuy nhiên, thời nào cũng có xấu có tốt: có
nhiều người khác vẫn sống tỉnh thức, đang lấy cuộc đời mình làm những ngọn đuốc
lớn soi đường và phát hiện lối cho người đi bên. Số người này không phải là ít
đâu, tuy nhiên, có cái nhìn bình tĩnh và cởi mở mới thấy họ được. Cổ nhân nói: “
Một người Hiền đi trên đường, chỉ có một người Hiền khác mới nhận ra ông ta. Tên
ăn cắp kia chỉ nhìn thấy cái túi của ổng”.
JennyHoàng
3-2001