Cùng Học về A-lại-gia-thức trong Duy-thức-học

 

 

Môn Duy Thức học này khó học nhất trong Triết Lý Phật Giáo. Nói và viết ra cho hiểu được, chung chung ra cũng phải vài chục trang. Có vị học rồi còn nghiền ngẫm mãi. Nhiều vị bỏ cuộc. May mắn cho tôi làm sao, bước chân qua cửa Tam Bảo, tôi được vào học Duy Thức với Hoà Thượng Thích Thắng Hoan, vị tăng chuyên nghiên cứu và dạy về Duy thức của Giáo hội Thống Nhất VN.  Sẵn có kinh nghiệm về khoa Tâm lý học, tôi theo dễ dàng và say mê học, đồng thời có duyên được đọc thêm nhiều bài giảng về môn đó do các vị cao tăng khác dạy. Nói đến Duy thức học là một thích thú cho tôi.

 

A lại gia thức là một trong 8 thức của con người, A lại gia là thức thứ 8, lớn nhất.

 

Muốn giảng cho rõ thế nào là A lại gia thức thì trước hết phải gặp 7 thức kia đã. Bẩy thức này cung cấp tài liệu cho A Lại gia đều đều, trong đó công dụng của thức thứ 7 là quan trọng và nguy hiểm cho hạnh phúc của con người nhất. Đây là con ngựa bất kham đeo cái bịt mắt lại rồi và cứ theo thói cũ mà hành động một chiều, dạy được nó phải tỉnh thức 24 tiếng và dùng hết nghị lực hiện tại không thể sao lãng được. Vì thế cho nên hành giả phải sống thành thực và thẳng thắn ở giây phút hiện tại là việc phải làm trước tiên. Muốn được như vậy thì phải rất cẩn thận canh chừng anh thức thứ 7 này.

Trở lại phần kiểm điểm 7 thức của chúng ta: chúng ta có 5 thức thuộc về 5 giác quan, mắt, tai, mũi, lưỡi và da thịt, thức thứ 6 ở  ý gọi là Ý thức, và thức thứ 7 có tên là Mặc-na thức. Chúng ta sẽ nói kỹ hơn đến Mặc-na thức. Thành thuộc với sự có mặt của 7 thức này rồi thì ta mới nhìn rõ diện mục và hoạt động của A lại gia là gì.

 

Năm Thức của giác quan, ý thức phân biệt và Mặc na thức.

 

Ngoại vật ở ngoài trước hết đi qua 5 thức của giác quan hầu cho ta biết hình dáng mầu sắc, mùi vị, hay êm mát ra sao.  Tuy nhiên ta cũng chưa biết vật đó là cái gì , tên nó ra sao, phải có ý thức ta mới biết được. Thí dụ : hình ảnh con chim qua tròng mắt dù là có nhãn thức mình cũng chỉ thấy hình ảnh mầu sắc thôi,  phải qua  ý thức nhắn cho ta biết : “A ha, đấy là con chim” ta mới biết. Tuy nhiên ý thức cũng còn làm việc chụp hình một cách khách quan thôi.

Sau đó ta đi qua một cửa ải nữa có tên là mặc na thức. Mặc na thức  cho ta những tài liệu ta có về con chim này, không những giá trị hay dở tốt xấu của chim, mà còn thêm vào cả những tư kiến, thành kiến có sẵn, những uốn nắn dạy dỗ từ bao giờ ta không hay. Mặc na thức chủ quan điều động tất cả những hiện tượng đã trồi lên bề mặt ý thức và định đoạt mọi hành động của ta từ đó, dựa theo hai thế đứng của nó:

Một là phân loại cái Ta, và cái Khác Ta, cái gì Của TaKhông Phải Của Ta, cái gì Ta Thích và cái gì Ta Không Thích.

Thứ hai Mặc na bất kể trường hợp nào cũng đứng về cái Ta để bảo vệ cái của Ta và cái ta thích. Thức này coi như ông luật sư biện hộ của ta vậy.

Những tài liệu và dữ kiện để bảo vệ và phòng thủ cái TA này, Mặc na thức lấy ra từ A Lại Gia Thức tức thức thứ 8 trong số 8 thức chúng ta vừa liệt kê.

Tất cả những tài liệu của  6 Thức đầu tiên là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức gom góp được đều được bỏ vào hồ lô A lại gia thức.  Mặc na Thức thì lấy tài liệu ra khai triển, thêm bớt rồi, dùng cho được việc, khi xong rồi cũng trả tất cả vể cho A Lại Gia.

 

Thức thứ Tám và là thức quan trọng hơn cả: A lại gia.

 

Nói theo Tâm lý học Tây phương thì có thể gọi A Lại Gia Thức một cách giản dị hoá là Tiềm thức hay  Ký ức. Tuy nhiên A lại gia không có nghĩa hạn hẹp như vậy.

Khi ý thức nhìn ra con chim, thì Mạc Na Thức vào A Lại Gia đem ra tất cả những con chim đã có trong A lại gia ra để kiểm chứng và chủ quan kết luận. Có thể là: “ A, đây là chim két, xấu lắm, mấy năm trước đây nó đã vào ăn hết thóc nhà tôi”. Có thể là: “ Chim tốt! chim tốt! bắt chim này lại mà bán nhiều tiền lắm đấy! “. Với Mặc na thức thì sự phân chia tôi tôi, anh anh rõ ràng lắm.  Cái  của tôi, cái không phải của tôi,  đâu ra đấy. Nó không có lợi mình lợi người gì cả, nó chỉ cãi lấy phải cho được, và  ở đó để bênh vực làm lợi cho “cái tôi” mà thôi.

Nói thế để biết rằng A Lại Gia Thức thì vô tư, chỉ làm một cái bình chứa hết tất cả không thiếu một thứ gì, ngay cả khi ta quên, hay về già lẫn hay mất trí nhớ, hay ngất sỉu, A Lại Gia Thức vẫn giữ đầy đủ những tài liệu đến từ 6 giác quan và Mặc Na Thức, từ muôn đời đến muôn đời. Người bị bệnh nan y đến thời gian cuối rồi, cùng người thân làm quyết định xin bác sĩ  rút máy trợ sinh ra, ta gọi là cho chết đi cho nhẹ nợ đời,. Đúng thế, nói “nhẹ nợ đời” vì lúc đó không chịu nổi đau đớn và vì thấy y phí quá đắt không đáng để cho người sống phải trả. Theo tôi đấy là những lý do chính đáng và dễ hiểu, tuy nhiên người học Duy Thức nên hiểu rằng tuy người hết thở và tim ngừng đập rồi mà A Lại Gia còn đó, không “tắt thở” được, vì sao ? vì A Lại Gia chứa đựng cả nhân duyên và quả duyên phước nghiệp từ vô thỉ của ta. Nhân lành nhân dữ còn trong đó, vì chưa đủ duyên phụ để mà trổ quả ra mà thôi.

Khi còn sống, nếu tỉnh thức bắt kịp những quả báo này thì ta có thể hoá giải nó cách nào theo sự chọn lựa riêng của ta, bằng không nếu ta không làm gì hay vô tình lại nuôi dưỡng nó thì nó lại trở vào A Lại Gia, chờ một dịp khác. Lúc quả xuất hiện lần sau có thể xấu hơn hay tốt hơn tuỳ những hoạt động thân khẩu ý của ta trước đó.

Khi thân này chết rồi thì ta không thể làm được việc hoá giải ấy nữa mà phước nghiệp tàng trữ trong A Lại Gia phải chờ cho đủ nhân duyên đặc biệt mới có một thân xác mới. Thân xác này theo với phước hay hoạ trong A Lại Gia mà sinh ra. Vì thế cho nên Phật dạy có được thân người là một điều rất khó. Lại còn phải chịu cảnh sinh lão bệnh tử, thế mà chúng ta sống giải đãi qua ngày không thanh lọc thân tâm thì uổng quá.

Tâm lý học cũ theo được đến tiềm thức và ký ức rồi thôi. Tâm lý học mới khẳng định rằng hạnh phúc của ta là kết quả của những ý và quyết định trong việc làm của ta. Bệnh hoạn tâm lý là những tình trạng bị điều kiện hoá bởi môi trường. Con người có khả năng thay đổi tự tâm, và thay đổi môi trường để lớn khôn và để thể hiện một lý tưởng nhân văn chung nào đó cho tất cả. Nhận xét như thế thì khoa tâm lý học ngày nay đã đi gần đến Duy Thức học rồi đó.

Duy thức học đồng ý với những ý tưởng trên nhưng còn đi xa hơn nhiều nữa vì còn phải cắt nghĩa A Lại Gia qua những thuyết nhân quả, luân hồi và duyên sanh. Vì Phật dạy sự chết chỉ là một lần “qua cầu”, chứ không phải chết là hết. Những “nhân” nào nằm trong A lại gia chưa hoá giải được sẽ còn đó , khi gặp đủ duyên sẽ trở thành quả...thân xác chúng ta chết đi nhưng nhân quả còn đó cho chúng ta  tiếp tục cuộc hành trình này trong một kiếp khác..

Tuy nhiên không thể nói là A Lại Gia là một cái hồn riêng biệt của mỗi người sau khi chết; Khi nói đến chữ hồn ta có khái niệm hồn là một thực thể riêng biệt dùng cái thân xác mà chết đi sống lại. Đạo Phật không bao giờ nói đến hồn kiểu đó.  Phật dạy chúng ta có tư nghịêp mà cũng có cộng nghịêp. Hai cái này không rời nhau và liên hệ ảnh hưởng thay đổi nhau không ngừng nghỉ. Thí dụ có nhiều người học giỏi trong một trường, trường ấy sẽ có tiếng lớn. Một trường lớn có tiếng, học trò có triển vọng tốt nghiệp khá hơn. Vì nghiệp duyên của ta trong A Lại Gia cá nhân và nghịêp duyên của hết thẩy mọi người trong cái A Lại Gia cộng đồng kia liên hệ và ảnh hưởng đến nhau mà chúng ta có thể “nhờ ân đức ông bà ”hay “để đức lại cho con”. Sinh hoạt thân khẩu ý của chúng ta như một tiếng chuông vang lên... xa gần, là nhờ chuông tốt hay xấu. Người ngoài nghe được tiếng chuông vừa nhờ chuông tốt mà cũng nhờ tai của người ta thính nhiều hay ít.

Liên hệ này nói lên một định luật nền móng của vạn pháp: đó là liên hệ duyên sanh, và đặc tính vô ngã, vô tướng của các hiện tượng.

 

Ngoài việc A Lại Gia Thức giữ tài liệu nhân quả cho ta trong mỗi kiếp, A Lại Gia còn là gì nữa không? và công dụng của thức này có thể tới đâu ? Dưói đây chúng ta bàn thêm về vai trò rất lớn của A lại gia khi đã vượt ra ngoài hoạt động cá nhân.

 

Theo luật biến chuyển của Vạn Pháp,  A Lại Gia thức giữ vai trò gì?

Như đã nói ở trên, A Lại Gia thức giữ tài liệu của tất cả những gì ta biết, gặp, nói, nghĩ, làm trong đời. Nói như vậy thì dễ hiểu quá phải không ? Nhưng hãy đặt câu hỏi, chúng ta có sinh ra một đời rồi đi luôn đâu. Chúng ta có những tài liệu riêng rẽ đâu, chúng ta có duyên chằng chịt với hết thẩy mọi thứ, mọi sự vật từ vô thuỷ đến vô chung cơ mà. Những tài liệu ấy không nằm ở trong A Lại Gia thức như một xấp giấy ở trong cái tủ sắt mà ta có chìa khoá, trái lại nó thiên biến vạn hoá với  những duyên sanh trong vũ trụ, làm nên nhân quả cho chúng ta hết  đời này sang đời khác, nó làm thành những bánh xe luân hồi đi đến vô tận. Vì ta chỉ là một cái mắt lưới trong một mạng lưới lớn, thì A Lại Gia của chúng ta cũng nằm trong cái A Lại Gia của toàn thể , gần gũi đến không thể tách rời hai cái ra được. Cái khó hiểu là ở chỗ này, tuy nhiên nếu đã có học vô thường và duyên sanh rồi thì dễ phá lắm.

Trên đây chúng ta đã bàn đến liên hệ giữa A lại gia và Duyên, A lại gia và nhân quả cùng phước báu và các hiện tượng thay đổi liên miên không ngừng nghỉ hết kiếp này sang kiếp khác. A Lại Gia không lăng xăng hoạt động như Mặc na hay ý thức, mà là một nơi cho phép các hiện tượng theo duyên mà hiện ra, rồi lại cho phép các hiện tượng theo duyên mà được tàng trữ. Alại gia không có thích cái này bỏ cái kia, như Mạc na, vì thế cho nên muốn thanh lọc A lại gia, chúng ta phải bắt đầu từ 7 thức và nhất là canh chừng và tẩy não anh chàng Mặc na kia. Vâng phải làm chuyện đó một cách kiên nhẫn và tỉnh thức.

Bạn hãy cùng tôi đặt thêm vài câu hỏi nữa để đi sâu hơn vào vấn đề bản chất của A lại gia.

 

A lại gia và Chân như. Chân như thì bất biến, A lại gia thì có bất biến không?

 

Trả lời xong câu hỏi trên là ta đã đi dần vào đoạn kết câu chuyện hôm nay rồi  đấy. Trước tiên, hãy kết luận một vài điểm nho nhỏ mà tôi đã nêu ra trên đây với vài câu hỏi nhỏ: Câu hỏi là : Ta có riêng một cái A lại gia thức của ta không? Trả lời : tương đối có thể nói có, tuyệt đối thì không. Cái A lại gia thức (gọi là) của ta trong lúc này, ở đây, chỉ như một cái mắt lưới nhỏ nằm trong một mạng lưới mênh mang lớn vô cùng gồm tất cả sinh vật lớn nhỏ trên trái đất, lớn bao trùm hết cái hành tinh, các vì sao và các thái dương hệ và các sinh vật trong đó nếu có, nhỏ như những vi khuẩn li ti phải dùng máy hiển vi mới thấy. Cái mà ta gọi là A Lại Gia của ta chỉ là một phần mơ hồ của cái A Lại Gia lớn vô tận kia như là cái mắt lưới nằm trong cái lưới vậy. Thật ra nó không thể nào rõ ràng như cái mắt lưới với cái lưới, mà phải nói là cái mắt lưới nằm trong cái lưới nhưng không nằm riêng rẽ ra một góc như thế. Trái lại cái lưới cũng nằm trong cái mắt lưới như vậy. Có thể nói cái lá nằm trong cái cây và cái cây nằm trong cái lá không nhỉ ?

Do đó có thể nói cái một cũng là cái tất cả, mà cái tất cả cũng là cái một. Cái ta gọi là A Lại Gia của ta, nằm trong liên hệ với tất cả thì là cái A lại gia lớn. Cái A Lại Gia lớn,  thu hẹp bớt liên hệ đi thì là cái A Lại Gia nhỏ của ta. Như một bức tranh treo trên tường, bạn chỉ vào một góc của nó, dù là một phần mà cũng là bức tranh đó, không có không được, bạn chỉ vào cả bức tranh, cái góc kia cũng ở trong đó rồi.

Bức tranh toàn diện đó nói lên sự thật hiện hữu của vạn vật, tất cả sự thật và chỉ có sự thật, do đó có thể nói bức tranh là chân như. A Lại Gia Thức là Chân Như. Tất cả mọi sự sự vật vật trong vũ trụ đều không ra ngoài cái bức tranh kia. Lời nói này không bao giờ thay đổi được.

Tuy nhiên trong bức tranh, không bao giờ vạn pháp đứng yên, mà do duyên sanh khiến cho mọi hiện tượng trổ ra rồi lại do duyên sanh mà những hiện tượng ấy biến đi để nhường chỗ lại cho những hiện tượng khác. Sự thay đổi ấy cứ như thế là như thế, cho nên chính nó cũng là Chân như.  Sự thay đổi này thì bất biến. Hiện tượng thay đổi thì không bất biến được. Cũng như nói vô thường là một định luật bất biến. Nói thế thì được chứ nói trong trời đất có những hiện tượng bất biến thì không phải. Nhìn A Lại Gia tựa như hư không trong đó mọi sự sự vật vật biến hiện theo duyên sanh và vô thường thì A Lại Gia là chân như. Nói khác đi, nhìn A lại gia như một chỗ mà ở đó mình nhận ra cái lành cái dữ của mình, cái phước cái hoạ của mình mà thay đổi nó đi cho hợp với lý tưởng của mình thì A Lại Gia chính là mình, là cái Tâm của mình. A Lại Gia vừa là chỗ chứa trong đó các hiện tượng ra vào, các hiện tượng này thay đổi theo duyên phước và quả báo, A Lại Gia cũng có thể là chính những hiện tượng ấy. Chúng ta có trách nhiệm về sự thay đổi gạn đục thành trong của cái Tâm này. Cái tâm này là chân như, không hẳn là chân như mà vẫn là chân như. Tuỳ theo ta nhìn nó theo lăng kính hiện tượng hay lăng kính tự tánh. Cũng như khi ta nói :”Một hộp kẹo” Đứng về phía cái hộp, nó cũng là cái hộp kẹo. Đứng về phía kẹo ở trong hộp, đấy cũng là hộp kẹo.

Kinh dạy: Một khi chèo lái được Mặc na, gạn đục khởi trong ngay từ đó, thì A Lại Gia dần dần trở nên trong sáng tròn đầy. Cho đến khi trở thành Trí tuệ sáng suốt mầu nhiệm. Ấy chính là bản lai diện mục của ta vây. Trí tuệ như thế tất nhiên là không lệ thuộc vào một điều kiện gì, cho nên là chân như, cho nên bản chất nó bất biến. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được, chưa đến đó, không nên bàn đến từ “bất biến” này, một cách quá dễ dãi, rông dài. Nói lên như phác hoạ một lý tưởng, nói lên để có một khái niệm mà kế-hoạch-hoá sinh hoạt của mình thì khả dĩ làm được thôi, còn nói ra như một sự thật đã được kiểm chứng thì không nên. Tội ngạo mạn đó không tha thứ được và là một mối hoạ lớn cho sự học hỏi thêm trong đời.

 

Kết luận : Ta là ai. Vai trò và trách nhiệm của chúng ta.

 

Bây giờ bạn đã hiểu tại sao nhà Phật hay nói câu: “Tất cả vạn pháp đều từ A lại gia mà ra, rồi lại trở về A lại gia...”, rồi lại từ đó mà ra nữa.... rồi lại trở về đó... Tuỳ theo duyên nghiệp của chúng ta... Duyên nghiệp hay quả báo thì lại lệ thuộc vào tư tưởng, lời nói, và hành động của chúng ta trong mỗi giây phút hiện tại. Nội cái gì ở trong A lại gia tuỳ thuộc chúng ta biến đổi, thay thế, nói cách khác làm cho tốt hơn hay xấu đi tuỳ sự chọn lựa tỉnh thức của ta. Khi tôi nói nội cái gì ở trong A Lại Gia, bạn đã hiểu là không có cái gì ở ngoài A Lại Gia cả nhé. Chính là nhờ ta kiểm soát Mạc na thức mà ta thay đổi được những gì trong A lại gia đấy! Bạn đã nhận thấy trách nhiệm và đồng thời quyền lực của bạn chưa?

Trách nhiệm của chúng ta là thanh lọc ô nhiễm thân tâm, sống thiện, sống tỉnh thức, như thế là biến đổi “nhân” phiền não trong A Lại Gia thành trí tuệ minh mẫn vậy. Ảnh hưởng này lan rộng ra xa không biết bao nhiêu mà kể vì A Lại Gia bao trùm cả quá khứ, hiện tại và tương lai, cả mọi nơi mọi chốn khắp hư không trùng trùng điệp điệp ngoài sự tính toán hiểu biết được của con người. 

Khi chiến tranh nổi lên khắp nơi, Phật tử khắp thế giới dùng câu : Tâm bình, thế giới bình là ý nhắc đến cái liên hệ của A Lại Gia cá nhân với A Lại Gia cộng đồng đó.

Vì thế cho nên A Lại Gia thức cũng có nghĩa là cái kho “chung”, lớn vô cùng tận của thế gian, luôn luôn luân chuyển, nên có khi thanh hơn có khi thô hơn có khi sáng hơn có khi mờ hơn, nói cách khác A Lại Gia thức này mà tẩy đi được hết những ô nhiễm của nhân quả nghiệp báo thì sẽ thành Trí tuệ trong sáng tròn đầy. Trí tuệ này không phải là của ai cả, chỉ như ánh sáng không sơ hở và tròn đầy viên mãn thôi.

Do đó chúng ta kết luận được rằng, việc thanh lọc thân tâm, việc trở lại dần dần bản tính nguyên thuỷ ban đầu khi chưa vấp vào nghiệp báo, là bổn phận của mỗi người tự tu và tự giác. Hoà bình hay hạnh phúc của loài người là trách nhiệm của từng người trong khi thu xếp việc cá nhân của mình. Mình khá tức tất cả khá, tất cả khá thì mình khá. Làm việc thiện và sống thiện không phải là chuyện gì khả quan cả, mình cũng không phải gồng lên cố tình làm tốt cho người khác để lấy cái tốt. Mà thật ra, sống lợi mình lợi người là một bổn phận từ ngày chào đời, tuỳ khả năng và duyên mình tạo ra được chừng nào thì biết ơn chừng đó. Đó là sự thật. Đó là sống theo và hợp với chân như.

Nhưng mình làm gì, làm cách nào, ở đâu, với ai thì tuỳ duyên.

Trách nhiệm của sự chọn lựa này theo ta từng giây từng phút trong đời, sểnh ra là nó yếu kém sơ hở, cho nên cũng không gọi được nó là bất biến tuy rằng nó rất hợp theo chân như.

Tôi thường nhận thấy rằng để thành công trong đời chúng ta cần có:

1-   sự “hiểu biết” tri thức tức kiến thức về việc mình muốn làm

2-   Có dụng cụ tốt để bắt tay vào việc

3-   Có hậu thuẫn trong khi làm.

Chúng ta lên đường Đạo mà có sự hiểu biết về Duy Thức học là một may mắn lớn. Ngoài những điều tôi nói trên đây, Duy thức học còn phân tích rất tỷ mỉ cho ta thấy những gì gây ra phiền não, những cảm xúc tiêu cực đến từ đâu và gây ra những tệ hại gì, nói chung làm sao để hoá giải và thanh lọc thân tâm một cách hữu hiệu. Duy Thức học là một khoa học rõ ràng và rất thực tế, vừa giúp kiến thức lại vừa giúp công cụ để ta làm việc. Môi trường làm việc của ta là thế gian và những biến hiện của hiện tượng quanh ta. Tuy nhiên tinh thần trách nhiệm trong sự chọn lựa riêng của mỗi người là công cụ đặc biệt nhất. Về hẫu thuẫn trong chuyến đi này, phải nhớ là đã có những người đã đi trước ta, có người đang đi bên ta, và còn nhiều người sẽ đi sau ta. Tuy nhiên con đường dưới gót chân ta vẫn chỉ có mình ta thôi. Biết được rằng Một ở trong Tất cả và tất cả ở trong Một là một hậu thuẫn chắc chắn nhất.

 

JennyHoang

2000