Vô Thường

 

Định luật vô thường là một đinh luật thiên nhiên, mang con dấu  “không gian” và “thời gian”, Nó chi phối tất cả vũ trụ và là sự Thật tuyệt đối có thể chứng minh ( khoa học Vật lý đã nhận như vậy) Chữ Vô Thường là chữ của nhà Phật. Thuyết vô Thường là cái nền móng của  con đường Chân Như đi vào Đạo. Từ Vô Thường mà luận ra thuyết Nhân Quả và Luân Hồi. Từ Vô Thường mà ta nhận ra trách nhiệm thay đổi uyển chuyển là ở nơi ta, ta có thể hướng thiện và tăng trưởng, ta cũng có thể tự làm khó cho mình, chấp nhất và ham muốn bám giữ đến đau khổ và chết.

Là người, ta có thể tự học, tự thoát khổ, tự sống vui và do đó mong chỉ cho  người khác cũng làm như vậy. Một con đường bình đẳng, độc lập và tự do hạnh phúc mà không hề xin sỏ cầu cạnh một đấng nào hay dựa dẫm vào ai cả. Chỉ cần tỉnh thức, quan sát, và kiên nhẫn suy ngẫm về kinh nghiệm của chính mình. Đồng thời  học ở kinh nghiệm những người đã đi trước mình hay đang đi trên con đường mình đang đi

Nhớ được đoạn này là đã tìm ra bảng chỉ dẫn vào xa lộ giải thoát phiền muộn rồi vậy.

Nói thêm chi tiết về nghĩa của hai từ vô và thường:

Vô= không. Thường= lúc nào cũng vậy, và lúc nào cũng ở đó nhất thiết như vậy. Vậy thường = Không thay đổi.

Vô Thường= không “không-thay-đổi”= thay đổi.

Vậy VôThường là lúc nào cũng thay đổi. Không bao giờ thường hằng. Vì vô thường là một định luật thiên nhiên của không gian và thời gian cho nên ở trong cuộc đời của chúng ta kể cả cái mình trông thấy đang vận động như động vật thảo mộc, hay cái không vận động như thạch đá cũng đều ở trong vô thường cả.

 Không có cái gì bất biến, theo nghĩa tuyệt đối của chữ bất biến. Muốn bất biến thật, thì may ra phải ở ngoài vòng thời gian và không gian. 

Chúng ta thường nói rằng tình yêu của chúng ta bất biến, bất biến thế nào được. May lắm thì mình cố giữ được đến lúc mình chết là cùng chứ gì. Điều này chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm lắm, thật ra rất dễ hiểu thôi.

Chú ý một chút là được. Đừng để cho đầu óc mình nó lơ tơ mơ trong trà rượu và khói thuốc, phí đi. Chúng ta chỉ cần quan sát bản thân mình và chung quanh mình với hai chữ vô thường trong đầu, sẽ khám phá ra một chân trời mới. Nó nhẹ nhàng và thanh thản, không có gì nặng nề lắm nữa đâu. Từ đó sẽ có những thân thiết thật tình, những thứ tha không khó khăn, và những thông cảm dễ dàng. Sau đó cái gì phải tiếp theo nó sẽ tự nhiên tiếp theo, mình chả cần bận tâm đòi hỏi.

Một vài quan sát gần gũi về Vô Thường

Nhìn vào cái gọi là TA thì  thấy có mấy thứ này:

1 -Là cái thân xác. Thì thân xác mỗi lúc một già đi.

2 -Là cái óc. Thì cái óc cũng theo cái thân mà héo mòn. Tế bào óc sẽ chết dần mà không sinh ra nữa cho nên mình sẽ bị lẫn và quên  Thời oanh liệt có oai linh mấy cũng “nay còn đâu” mà thôi

3 -Là cái tư tưởng suy tư này nọ. Cái này còn biến đổi nhanh nữa vì nó không lệ thuộc mấy vào vật chất và không gian. Nó chính là nguyên nhân của sự thay đổi để trưởng thành của mỗi người, của mỗi xã hội, của mỗi quốc gia, và của các nền văn minh trên thế gian. Ở đó ta thấy ý thức hệ hôm nay duy... cái này mai lại duy... cái kia; triết lý này nọ cái này hoặc thay thế, hoặc thêm vào cái kia, tôn giáo bán rẻ trên thị trường, son phấn đủ mầu sắc....Duy chỉ có sự thật dựa vào kinh nghiệm quan sát vả sống từ đời này qua đời khác là thật. Nói cách khác chỉ có Vô Thường là Thường thôi.

Tất cả những sự hiểu biết đều từ quan sát và suy tư mà ra; kiến thức có thêm suy tư để tăng trưởng thì con người mới khá được, tất cả tiến trình ấy cũng là nhờ định luật vô thường mà có cả. Đó là kinh nghiệm rất gần gũi với chúng ta không phải kinh sách khó hiểu đâu.

4 -là trái tim để cảm nhận những tình trạng tâm lý . Cái này còn vô thường hơn hết: nhất là ở những người nhạy cảm, ta thường nói là giầu tình cảm ấy, những vị này bị chi phối bởi môi trường ở ngoài rất nhiều (người, sự, vật, và hoàn cảnh sống ), hơn nữa cũng bởi cá tính còn “tưởng thật không vững lòng tự tin, và tự thương sót mình. Nếu có lòng thương thân thì mới chịu khó đi tìm chân trời hạnh phúc, nếu có tự tin thì mới kiên nhẫn vượt qua trở ngại. Tôi thì nghĩ rằng hạnh phúc tuyệt đối cũng vỉ vô thưởng mà không thể có thôi. Tuy nhiên, cũng vì vô thường mà tôi không thể không dùng nó hết sức mình, không phải là để tìm kiếm “an vui”cho bằng được nhưng tôi cho rằng khả năng hiểu biết và tìm hỉểu để thành “người” là một món quà quá đặc biệt chỉ dành cho con người, nếu mình không làm thì để ai làm đây?

Tình cảm thay đổi từng giây từng phút, vui buồn mừng giận sướng khổ, thích rồi không thích, muốn rồi không muốn., thay phiên nhau trong lòng ta như chạy trong một vòng tròn kín. Chúng ta không thể bỏ đi một kinh nghiêm nào, chỉ học hỏi để mà vượt qua một cách tích cực mà thôi.

Vì thế cho nên, Giáo lý nhà Phật chú trọng đến kỷ luật về vấn đề này lắm. Quan sát những cảm thọ của mình là để không cho mình biến mình thành nạn nhân của nó , hoặc là làm người khác, hay hoàn cảnh nào thành nạn nhân của mình. Nói khác đi người ném đá cũng ở trong vòng phiền não như người bị ném đá vậy. Ai dám nói là trong đời không bao giờ ném đá hay bị ném đá? Cái khác biệt có chăng là ở chỗ biết trách nhiệm về ý nghĩ, lời nói và việc làm của mình, hướng về lợi mình và lợi người. Giữ tỉnh thức trong cơn gió, cơn sóng là cái khó nhất.

Vỉ sóng gió là cái kinh nghiệm rõ ràng nhất của vô thường dễ quan sát nhất một cách chủ quan. Trong khi đó những tình cảm đẹp, vui và sung sướng, những đau khổ dày vò miên man thường được thăng hoa để mang đặc tính hay khái niệm bất biến.

 

Hãy ngừng lại đây ở chữ bất biến và tư tưởng nhìn tình yêu là bất biến.  Nếu tình yêu mà tự nó có tính cách  bất biến thì cần gì phải nhọc xác mà học hỏi, mà hoà đồng, mà thông tin, mà kiên nhẫn, và nhịn nhục nhau để giữ nó. Sao không cứ để nó tự nhiên bất biến đi. Vậy thì chúng ta không thể nói là tình yêu của chúng ta (hay của ai cũng vậy) là bất biến được . Giữ được tình yêu là cả một công trình, một chọn lựa cá nhân, với một quá trình đạo đức khá vững.  Một quá trình làm người, trước và sau khi bắt đầu học, và trong khi học mãi.

Tựa như nói thế này: Tôi không bao giờ dám nói là tôi sẽ giữ được cái gì mãi mãi, nhưng tôi sẽ cố hết sức, sống chết với nó, vì đã coi nó là một thành quả hướng thiện trong cuộc đời.

Chúng ta chỉ có thể nói là chúng ta sẽ đặt tình yêu trên con đường đạo đức này, mong rằng ta không bỏ đạo thì ta không cũng không bỏ được tình yêu người.

Ta quyết làm những gì cần phải làm, học những gì cần phải học để giữ tình yêu cho nhau cho đến hơi thở cuối cùng. Mong là như thế, cố làm như thế, chứ không nói được là nó bất biến, bởi vì đến lúc mình chết thì tình yêu của mình cũng trở thành tro bụi thôi. Nếu bất biến đến lúc chết thì thôi, thì làm sao gọi là bất biến được?

Thử hỏi tình yêu của mẹ tôi cho tôi bây giờ đâu? cái gì chắc bằng tình mẹ cho con? Mẹ chết rồi mẹ có nói rằng tình mẹ bất biến được không? Khái niệm về tình yêu của mẹ rồi cũng phôi pha và thay đổi với tháng ngày tùy theo những thế hệ đến sau và theo mức văn minh của con người. Nếu nói rằng tình yêu của con người nói chung sẽ còn mãi với con người , thì đúng nhưng cũng không thể bất biến được, vì có gì bảo đảm là con người còn mãi với thời gian?  Có gì bảo đảm là trái đất này không thay đổi với thời gian. Có gì bảo đảm là vũ trụ này không thay đổi?

Kết luận

Chỉ còn một cách để giữ tình yêu ở xa vòng chi phối của “không gian và thời gian” nhất, là đặt nó vào con đường tâm linh ta đang cố vươn lên kia, chúng ta chỉ nghĩ được đến thế thôi

Việc này quả là khó làm, khi thân xác còn đòi hỏi thoả mãn tâm lý, khi cái óc còn ham được thua danh lợi; Tuy nhiên khi tuổi đã xế bóng, khi thành bại không còn là vân đề thì lại dễ rồi. Thế mà tại sao thói thường tới lúc đó thì cụ ông một nơi, cụ bà một nẻo, cụ bà đi ở trông cháu hay đi chùa, còn cụ ông ngồi với cô đơn trống vắng, hoặc là cụ ông đi chè chén với các cụ bạn già, cụ bà ngồi tiếc thương một thời xa xưa nào..

 

Tại sao ta không vì nhân danh vô thường mà “chuyển tính và dạng của tình yêu” để hoà hợp với con đường ta đang đi tới. Tại sao ta không thăng hoa tình yêu lên mức sống “thanh tao” để hưởng trọn sự trong sáng và tròn đầy trước khi ta tạm biệt khăn gói ra đi ?

 

Kết luận của cả bài luận về định luật Vô Thường và Tình Yêu.

 

Vì kiếp người vô thường nên cái gì ở trong đó cũng vô thường, cái gì con người nhìn thấy nghe, ngửi, nếm, nghĩ đến được, cảm thấy được cũng vô thường. Nói tóm lại. Thân tôi vô thường thì cái gì của tôi cũng vô thường, giản dị như thế thôi. Quan sát thấy được điều đó là không những tìm được xa lộ mà còn có xe tốt để chạy bon bon nữa đó.

(Hãy quan sát về cái răng của tôi, nó gần với sự sống của tôi như thế nào mà vì luật vô thường nó đã bỏ tôi mà đi như thế nào, và tôi đã có thể làm gì để đi theo cái vô thường đó mà không bị quá thiệt thòi ?)

 

Sau khi kinh nghiệm rõ ràng về vô thường rồi thì cái biết mình biết người càng ngày càng sáng tỏ. Chúng ta biết con người “tham, sân, si” và sợ hãi mong ước sống trong hồi hộp giận dữ là vì nhầm tưởng rằng cứ nắm giữ cho chặt có trong tay mãi, cứ tiếc thương, hy vọng hoài là sẽ được. Thành thử ra quên mất những gì có thật, quên mất những giây phút tròn đầy của hiện tại mà chỉ thoi thóp sống với tiếc nhớ quá khứ và tương lai.

Thật ra quá khứ chỉ là những bài học tuyệt vời vả tương lai là những thắng lợi của thử thách cho những người biết mình có trách nhiệm với hiện tại tửng giây từng phút.

Biết vậy là đọan đường an nhàn thư thái đã vạch rõ ra như một cái bản đồ xa lộ rồi. Chỉ còn  rồ máy và lên đường. Chúng ta đã biết  phải làm gì rồi. Tự kỷ luật nói theo đạo Phật gọi là “tu”. Giống như người lái xe, trách nhiệm vể chuyến đi thuận buồm xuôi gió là ở mình hết. Trước hết cái xe phải có cái máy tốt, xăng nhớt cho đầy đủ, bánh xe và thắng ngon lành, chỗ ngồi thoải mái. Đó là thân xác mình. Nếu ốm yếu bệnh hoạn thì phải chạy chữa, nếu không bệnh hoạn thì phải giữ mình tối đa cho không có ốm yếu bệnh hoạn, và mỗi ngày một khá hơn. Tập thể dục, ăn uống tốt, và thở cho đủ dưỡng khí trong lành là cái không tốn tiền mà ai ai cũng biết.

Phần tinh thần khi mới nghe dường như khó hơn. Lo lắng hồi hộp trong khi lái xe là không xong. Nghĩ đến quá khứ, tương lai quên nhìn bảng chỉ đường là lạc ngay. Không làm chủ được cảm xúc mình trong khi lái xe thì sẽ xẩy ra tai nạn dễ như trở bàn tay vậy, vì mình lái xe giỏi nhưng chắc gì những người khác đi bên mình giỏi như mình, và tỉnh thức như mình. Tuy nhiên đừng quên rằng vật chất và tinh thần luôn luôn đi với nhau, hỗ trợ nhau vả xây đắp cho nhau, cũng như có thể phá tán nhau. Nếu tôi ăn ngủ đầy đủ, sung sức hôm trước, sáng hôm sau tôi sẽ thấy khoan khoái dễ chịu, lên xe ngồi tỉnh táo và bao dung hơn. Vật chất đầy đủ thì đối diện với hiện tại không có gì khó khăn. Cũng như khi tôi có chuyện vui trong gia đình, hay vừa thành công trong nghề nghiệp, tôi có thể bỗng cảm thấy khỏe hẳn lên, và lái xe một cách hăng hái, ngực nở, cằm cao và môi cười. Tôi sẽ sống những giây phút hiện tại một cách hăm hở và biết ơn. Như thế thì dễ quá.

Cái khó là khi ta làm một reality check mà reality lại chỉ đem đến thất vọng và đau buồn. Lúc đó là lúc ta phải đem Vô Thường ra mà suy tư cho đến khi ván cờ chuyển bại thành thắng.

Cái thật khó là không thể nào bỏ qua hiện tại được có nghĩa là không thể nào Không làm reality check được. Không làm reality check thì cũng không thể nào nhận ra thấy Định Luật Vô Thường. Con đường đi  đến làm nhàn đạo nhân thật giản dị mà lại khó vô cùng là vậy.

Giản dị vì đó là một sự thật hiển nhiên cũng như tiếng cười, giấc ngủ êm đềm; Yêu thương chia sẻ được cũng là một sự thật hiển nhiên. Khó quá là vì chúng ta phải có mặt trong cái hiện tại của Vô Thường, dù vui, buồn, sướng khổ, không thể sao nhãng một phút một giây nào. Chúng ta hiểu vô thường, sống với hiện tại rồi lại phải bỏ qua nó đi không nắm giữ, Cái đó là cái khó, Không bỏ qua gọi là “chấp”, chấp là kẹt cứng vào cái mình chấp, nguy hiểm lắm vì sự xoay vần của vô thường sẽ như hai vòng tròn bánh xe quay siết vào nhau và kẹp nghiến tâm linh của chúng ta vào giữa, một cách thản nhiên thôi. Chẳng phải lỗi của nó. Mà chính là cái nhầm của ta.

 

Vài hàng về  “Phù Vân” và “Hữu như Vân”.

Phù vân nghĩa là mây nổi. Là những áng mây trôi trên nền trời xanh ấy .

Cũng có thể dùng từ chuyển động, nhưng không nên dùng chữ vận động trong môi trường Vô Thường này. Động là có cử động, đúng thế. Trong vũ trụ vô thường thì sự vật “không cử động” cũng ngày một, ngày hai biến dạng. Núi đứng im lìm như thế, cũng không mãi hẳn là như thế đâu, núi cũng thay đổi thường xuyên, chỉ vì mắt trần ta không nhìn thấy nó biến chậm lắm mà thôi. Những núi ở Vịnh Hạ Long trông sừng sững đấy mà nước chẩy mãi nó cũng mòn đi phải không? Thành không dùng chữ vận động được mà phải dùng chữ vô thường   mới nóí lên được cá tính của nó.

Vô thường là không thường hằng và thường hằng có nghĩa là cứ như  thế mãi trong thời gian và không gian. Nó vận hay động cách nào mình không thấy được chỉ biết là nó theo thời gian mà tan rồi hợp rồi lại tan : như núi ở vịnh Hạ Long sẽ dần tan thành ra chất gì đó vào lòng bể, cho cá ăn, hay lại hợp với những cái khác mà làm thành cái gì khác sau này?

Điểm này khi suy luận về “duyên sinh” chúng ta sẽ có dịp bàn thêm đến cái trùng trùng duyên khởi không thể đoán biết được của những biến đổi này, tuy nhiên vẫn có nhiều sự vật giản dị mỗi ngày chúng ta có thề quan sát trước mắt được.

Trong bài hôm nay, ví vô thường như mây nổi là rất đúng. Hay gọi là bể dâu ( tang thương) cũng hay lắm, hôm qua là nương dâu hôm nay đã thấy là bãi bể. Đó là sự thật ai ai cũng có kinh nghiệm. Mỗi người trong chúng ta đã phải có rất nhiều kinh nghiệm bản thân về vô thường  rồi chứ?  

 Hữu phải hiểu như một danh tự, mà không nên hiểu như một động tự vì như thế ta có thể  suy nó ra là “tồn tại” hay “vận động” vân vân. Hữu theo nhà Phật là những tất cả vạn pháp mình trông thấy và không trông thấy trong đời. Trông thấy như núi sông như cây cỏ, người vật, không trông thấy như tư tưởng hay tình cảm. Tóm lại nó là những gì nhìn thấy, nghe được, ngửi, nếm, những gì trái tim cảm thấy, bộ óc nghĩ ra, những gì ta ý thức qua một lần đều nôm na là “có”. Cái ta “thấy có thật” ấy theo Chân lý của đạo Phật thì nó chỉ là phù vân thôi. Nay còn mai mất. Nay hợp mai tan. Nó có hiện hữu nhưng sự hiện hữu của nó giống như phù vân. Người theo đạo Phật không rốt ráo thì bảo là tiêu cực, nhiều người học đến đấy rồi thôi nên bảo là đạo Phật yếm thế bi quan. Có tiếp tục đi tới nữa mới thấy cái tích cực của đạo.

Giáo lý của nhà Phật, sau phần quan sát về vô thường, là trách nhiệm 100 % mình chịu về cái xoay vần của Vô Thường. Mình muốn nó vô thường kiểu nào mình có thể hò nhau, dạy nhau, kéo nhau đi chiều hướng đó. Ta gọi đó là tạo duyên. Muốn “ra trường” thì phải “vào trường” trước đã. Muốn khỏi bệnh có khi phải uống thuốc đắng. Muốn thoát khổ thỉ phải tự tạo nên hành động và thái độ nào gây ra duyên sung sướng, thay vì phản ứng như một nạn nhân. Trách nhiệm này là “thực tập” phải có trong cuộc phiêu lưu đi tìm hạnh phúc của loài người. Ta mang trách nhiệm 100% về môi trường sống của mình và cái sướng khổ của mình. Sống đây có nghĩa là sống tích cực và sống có sự chọn lựa cá nhân hướng thiện và có mục đích nhân văn cho toàn thể không phải chỉ cho cá nhân mình.

Nếu cứ sống kiểu đại khái để người khác làm rồi ta theo chung chung thì không thay đổi được gì cả và cái vô thường đó không có vai trò lợi người lợi mình trong đó.

   bản thân ta sống với vô thường nên chỉ có ta cứu được ta thôi. Bài học này ít ai chịu quan tâm nên không thấy được cái tích cực của đạo Phật. Tự mình làm ra cáí khổ thì lại tự mình tìm cách thoát ra. Cái khó là cái đối diện với mình, nhìn và nhận thấy trách nhiệm tự mình gây ra cái khổ cho mình. Không mấy người qua được cái cầu này. Đa số đều muốn mình là nạn nhân thôi. Làm nạn nhân thì không phải làm gì cả, chỉ ngồi khóc chờ đến lúc người ta thả mình ra .

Đúng như vậy, làm nạn nhân thì có thể than thân trách phận, có thể đổ tội cho người khác, có thề đi bác sĩ tâm lý, và cũng có thể gây chiến tranh và xâm phạm đến công bằng hay bị chà đạp đến chết.

Trong tinh thần trách nhiệm chúng ta chỉ có thể làm hết sức mình và lúc nào cũng sẵn sàng để bắt đẩu lại. Sống với vô thường chúng ta không còn cái lo sợ bị kẹt vảo một “thế bí” nào đó, chúng ta có sự lựa chọn dù sự lựa chọn có nghĩa lả làm theo ý người ta hay làm khác đi. Vâng lời cha mẹ cũng có thể là một lựa chọn trong tự do và trách nhiệm, vì sau đó chúng ta vẫn có thể thay đổi ý. Không vâng lời bố mẹ cũng có thể là một phản ứng của một nạn nhân không hành động với tự do lựa chọn và trách nhiệm.

Chỉ có mẫu cân thước nảy: Khi ta hành động với tự do lựa chọn, ta không cảm thấy bực bội vỉ mặc cảm hay giận dữ, cũng không thấy “kẹt” trong một thế làm nạn nhân, hay bị hành hạ. Ta thấy là ta có thể chuyển thế đứng và có thề làm cách khác, cách nào lợi hơn cho ta.

Ông Phật chỉ nhắc ta rằng dù ở trong hoàn cảnh nào sự lựa chọn cũng nên hướng về không những lợi mình mà còn lợi người nữa. Chẳng phải chỉ có Phật mới làm thế. Người nào trong đáy lòng đều muốn làm thế. Làm người tròn vẹn là như thế. Làm người thật thà là như thế. Làm người sung sướng tự nhiên sẽ như thế.

 

JennyHoang

2004