Vietnam, Nuoc toi.

                                  Tu Van 6-12-99

 

Một người bạn nhờ tôi viết hộ một bài thuyết trình cho lớp học của bà ta có 35 sinh viên học về môn "Trao đổi Văn Hoá". Tôi phải giúp họ nói lên những nét chính của nền Văn Hoá Việt Nam. Thật là khó, đành phải hứa là tôi sẽ viết lại chút ít kỷ niệm trong đời, rồi từ đó để cho họ suy nghĩ và tự tìm ra câu trả lời. Dưới đây là bài tôi viết, với một tấm lòng thành kính đối với quê hương tôi. Nguyên bản bằng tiếng Anh, tôi tạm dịch ra tiếng Việt như sau:

 

Tôi sinh năm 1931, khi Đại thế chiến thứ hai sắp bắt đầu, rồi lớn lên giữa những năm dài khói lửa đau thương của Việt Nam trong những năm  1946-1975. Trước đó, ông thân sinh ra tôi là một kiến trúc sư và thầu khoán có tiếng trong nước, cụ là chuyên viên xây cất cầu cống, xa lộ, sân bay và các cao ốc trong thành phố. Tuy nhiên đôi khi cha tôi cũng tham gia vào công trình kiến thiết những khu du lịch như khu nhà nghỉ mát ở trên núi thuộc bãi biển Sầm Sơn hoặc những chung cư lớn của tư gia như khu Hăm bốn gian ở Phố Huế Hànội và một vài đường lớn ở Sàigon hiện nay. Cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ đại thế giới những năm 1929-? đã làm cha tôi bị phá sản. Một người bạn thân, và đồng nghiệp với cha tôi, vì không chịu nổi sự nghiệp tan nát thất vọng đã tự tử mà chết. Thật là thảm thương.

Cha mẹ tôi lúc đó phải thu xếp bán hết tất cả tài sản còn lại để trả nợ và cuối cùng dọn về Hànội ở tạm với ông bà tôi ở phố Ngõ Gạch. Ông nội tôi do đó mà có cái tên hiệu đặc biệt là "Cụ Gạch". Ba anh tôi và chi Lễ là chị thứ hai của tôi thì đã ở với ông nội tôi từ lâu, cùng với một số anh chị em họ con các bác các chú, cô của tôi. Ông bà nội của tôi đóng một vai trò rất quan trọng trong đại gia đình chúng tôi. Cha tôi, vì công việc làm ăn, thường ở xa những thành phố lớn cả hàng trăm cây số, cho nên khi các anh các chị tôi đến tuổi vào Trung học, cha mẹ tôi đều gửi cho ông bà nội tôi nuôi. Hànội có nhiều trường học lớn và có tiếng tăm như Trường Bưởi, Trường Đồng khánh vv..

Chúng tôi gọi bà tôi là bà trẻ vì bà là vợ thứ hai của ông tôi và cũng là em ruột của bà nội thật của chúng tôi. Mới đầu thì chỉ có các anh chị tôi ở với ông bà tôi, nhưng sau dần các con của bác và của các cô chú tôi, mặc dầu ở gần cũng theo nhau đến ở với ông bà tôi để đi học cùng cho vui. Thế là nhà ông bà tôi lúc nào cũng có ít nhất là 10 thanh niên thiếu nữ từ 16 đến nhàng nhàng 12 tuổi, nhộn nhịp ăn  học chơi đùa như một đàn chim ra dàng. Những bữa cơm trưa và chiều là những lúc vui nhất . ồn ào mà vui.

Ông tôi không bao giờ lấy tiền của các con bao giờ. Chẳng phải là cụ giầu có gì cho cam, cụ chỉ có một gian nhà lớn hai từng làm chỗ ở cho cả hai ông bà già và lũ cháu. O ngoài mặt phố cụ có hai cửa hàng cho người ta thuê để bán gạch ngói. Với tiền cho thuê cửa hàng và số lương hưu ít ỏi, ông nội tôi giỏi lắm mới nuôi nổi một đàn cháu như thế. Về sau khi các chị tôi lớn lên thường nói chuyện với nhau về chính sách tiết kiệm của cụ trong vấn đề ăn uống: thực đơn gia đình  có món đậu rán và món diêu cua bất hủ, rất ngon mà lại cũng rất rẻ. Món giá sào với mực khô mà cháu nào cũng thích cũng ở trong thực đơn đó. Ngon và rẻ là đúng tiêu chuẩn của cụ. Chúng tôi tuy ở đông như thế mà không thấy chật vì vui quá, vì tình yêu thương chan hoà.  Ông bà tôi có khu riêng, người giúp việc có khu riêng, nhưng chúng tôi lúc nào cũng có cảm giác ấm cúng, được quây quần xung quanh có ông, có bà, có anh chị em. Bọn trẻ có cả từng lầu trên, cả sân rộng để chơi đùa và một gian nhà thờ lớn làm lớp học rộng rãi. Cha mẹ tôi và các cô chú tôi mỗi tuần đến thăm chúng tôi và ông bà tôi, mừng rỡ và quà cáp tưng bừng.

Năm cha mẹ tôi buộc phải dọn về ở với ông bà tôi là năm 1937, cha tôi lo

chưa có việc thầu, còn mẹ tôi thì bận chạy đi kiếm nhà thuê, lấy chỗ ở cho gia đình 8,9 người. Cuối cùng mẹ tôi được một người bạn của ông tôi nhường cho một căn nhà mặt tiền hai từng ở Bạch mai. Thế là ba anh tôi cũng từ đó về xum họp với gia đình nhỏ bé, và tôi đã sống một quãng thời gian  ngắn nhưng hương vị  và quý báu nhất trong đời ở phố Bạch Mai này.. Ông bà tôi  và cô chú tôi người giúp công người giúp của, cho cha mẹ tôi mở một cửa hàng bán nước mắm Quảng Bình, bác tôi dắt tôi đi xin học tận trường trên hàng Cót vì bả tin  đấy là trường tiểu học nổi tiếng cho con gái thời bấy giờ. Mặc dầu anh hai tôi không đồng ý và đã "lôi" tôi về cho học ở trường Chu v An gần nhà, tôi vẫn biết ơn bác tôi lắm.

Rồi chiến tranh đến lại vùi dập công trình xây dựng của cha mẹ tôi một lần nữa. Ba anh tôi tử trận trong một trận lớn chống Pháp. Ông bà nội tôi qua đời. Gia đình tôi di tản lần này thật xa nơi chôn rau cắt rốn, vào miền Nam xa xôi, ở Đà Lạt vì chị tôi có một việc làm ở viện Pasteur, vừa đủ nuôi gia đình. Tôi đi lấy chồng, sinh hai con và đi học lại.

Nhìn lại, tôi thấy mình không có gì  gọi là vốn liếng văn hoá quê hương Việt Nam cả: bản thân tôi như chiếc lá theo chiều gió vũ bão của chiến tranh khốc liệt, gia đình tôi từ ngày có tôi  rời chỗ ở không biết bao nhiêu lần. Tôi còn không nói được là tôi đã sinh ở Việt Nam vì thật ra cha mẹ tôi sang Lào làm ăn rồi sinh tôi ở bên đó, tôi đi học ở Saigon và sau đó, tôi và hai con tôi đã ở ngoại quốc tới nay gần 40 năm. Cả một cuộc đời, xa nhà, tranh đấu không ngừng để sống còn, tôi còn chỗ nào yên ấm trong lòng để dành cho "gia tài của Mẹ"?

Văn hóa Việt Nam làm sao có đủ đất đai  ngon lành mầu mỡ để nẩy mầm, lên hoa, trổ trái trong tâm hồn  tôi?

Tôi suy nghĩ về ý này rất nhiều trong những năm lang thang đây đó ở Hoa Kỳ; rồi một hôm, bỗng một tia sáng nào lóe ra trong đầu, để cho tôi chợt thấy rằng không cứ là tôi phải sống yên bình trong nước tôi một thời gian nào đó thật lâu tôi mới ý thức được  về quê hương và văn hóa nước tôi. Mà thật ra, liên hệ với quê hương đã bắt đầu từ lâu rồi, từ ngày ông bà tổ tiên, và cha mẹ tôi chuyền tay xuống cho thế hệ chung quanh tôi, vây quanh tôi, ở vĩnh viễn thường hằng trong tôi, như một sợi dây vô hình mỏng manh xâu qua những viên ngọc để làm thành một chuỗi hạt ngọc quý: Chúng tôi, dù chỉ là những viên ngọc non nớt, bé li ti, nhưng dù muốn dù không, cũng nằm trong thành phần làm nên chuỗi dây ngọc đeo cổ tuyệt vời có một không hai ấy. Sợi dây vô hình đã níu tôi ở lại trong đó, nhưng không làm tôi cảm thấy tù túng mà trái lại đã cho tôi một hướng đi, một nghĩa sống và một tình đoàn thể có thi vị.

Trong 35 năm ở Hoa Kỳ tôi trải qua 3 năm ở Đại Học và 4 năm ở Cao Học. Tôi đã học tất cả những gì cần và đủ để hiểu về lối sống của người phương Tây. Có thể nói đôi khi tôi còn "Tây" hơn họ nữa. Tôi lớn lên và già giặn trong một môi trường dân chủ và tự do thực sự. Nhưng lạ lắm, trong tôi vẫn có một cái gì khác và đặc biệt, âm thầm khôn lớn dần dần lên. Một cái gì tôi có thể chia sẻ được mà không thấy mất mát.

Năm 1996, tôi về Hànội lần thứ nhất sau 42 năm xa cách và gặp gần hết các bạn học của tôi ở những năm tiểu học. Hồi đó chúng tôi mới từ 8 đến 11 tuổi. Hai năm sau 1998 tôi về Hànội một lần nữa và được họp mặt với tất cả họ hàng nội ngoại làng xóm, được về quê thăm mộ tổ tiên ông bà tôi.

Tới đây tôi chợt hiểu, hiểu hết. Tôi lắng lòng và "nghethấy"  rõ ràng trong tôi sợi dây vô hình đã đi qua tâm hồn bao nhiêu thế hệ để tới tôi hôm nay. Tôi bị cảm xúc mạnh khi  thấy ông bà nội tôi, cha mẹ, cô chú và các anh chị em và cả bạn bè của họ đã mất mà nay lại vẫn còn sống trong tôi, và cùng cả với những người đang sống bên tôi nữa.

Tôi vui mừng và thích thú khi thấy các bạn và các thầy cô của tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm này với tôi.

Những gì tôi đã học được từ ngôi trường tiểu học từ gần 60 năm qua vẫn còn trong chúng tôi, như một hải đăng dẫn đường trong đêm.

Tôi có cảm tưởng như tất cả chúng ta đều đến từ một cây đại thọ vững mạnh lắm : mặc dầu ta ở đâu, làm gì , trôi nổi ra sao, ta vẫn mang trọn tính cách của cây đó. Ông nội tôi là một trong những chiếc lá đã lìa cành : nhưng người đã từng đem sự sống lại cho cây và cho bao nhiêu cành lá đến sau. Cháu ngoại của tôi, dù chỉ là một mầm non mới hé, cũng sẽ tiếp nối lấy dưỡng khí nuôi cây theo công trình ấy cho đến mãi mãi không hết.

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, có một liên hệ tương trợ và một yêu thương gắn bó không ngưng nghỉ để chung sức xây dựng một giòng giống vững mạnh với một lịch sử oai hùng. Ấy là chưa kể đến gia tài dân ca trù phú của chúng ta, khẩu vị đặc biệt của các món ăn Việtnam và nhất là tiếng nói và ngôn ngữ càng ngày càng giầu mạnh qua bao nhiêu thế kỷ.

Chúng ta đã thắng Nghèo đói, Chiến tranh, và Thực dân đô hộ, trong khi vẫn giữ trọn niềm tin và ơn vô bến bờ với MẹViêtNam. Chúng ta ơn quê hương đã sinh ra mình. Tin là mình sẽ thổi sức sống vào cho quê hương. Và tự hào với đời, mình là con của  Mẹ.

                    

Hoàng thị Tú Văn

3-12-1999