Song
tron ven
Nguoi: tron day
va trong sang
Chúng ta hãy hình dung một con người trọn
vẹn như một hình tròn mẹ khép kín có 5 vòng con cùng tâm điểm ở trong mà ta gọi
vòng nhỏ nhất là số 1 tiếp đến vòng số 2 lớn hơn và 3, 4, 5. tuần tự như
thế.
vòng 3 là= vòng
1+2+3
vòng 4 là=vòng
1=2+3+4
vòng 5 là=vòng
1+2+3+4+5
1 - Phần trong cùng là nhân của sự sống chết, với
nhu cầu ăn mặc ở ngủ thở và đi toa lét. ở tuổi ấu thơ tuy những nhu cầu này là
chính nhưng phần 2,3,4,5 cũng đã có và vẫn có nhân 1 nằm trong đó
rồi.
2 - Thời gian tiếp theo đó, vòng 1 lớn
lên thành vòng 2, vẫn gồm cả vòng 1 ở trong : từ ấu thơ bước qua ngưỡng cửa vị
thành niên cho lên đến thời gian đã trưởng thành, con người phát triển nhu cầu
sinh lý. Nhu cầu này yếu hay mạnh lâu hay mau tuỳ theo cá nhân và môi trường
sống, do bản năng sinh tồn có con cái nối giõi cho huyết thống và đồng loại. Dù
có hoạt động hay không, các chủng tử của nhân này vẫn nằm trong những vòng 1, và
những vòng tiếp theo sau đó 3,4,5
tuy nhiên lên phần 4 bản
tính của nó sẽ đổi khác và khi lên đến 5 có thể lại thay đổi nữa. Phủ nhận sự
thật căn bản này có thể gây ra nhiều vấn đề tâm lý cho những người không ý thức
được năng tính con người một cách trọn vẹn. Nếu không ý thức được thì không thể
tự kỷ luật được. Dồn ép là một vấn đề tâm lý lớn.
O những nước tân tiến, người ta thường
thúc đẩy trẻ em phát triển tri thức khi còn ấu trĩ; 1,2, tuổi, đã học đọc, làm
toán, có khi còn muốn cho học từ khi còn trong bụng mẹ nữa. Hệ thống giáo dục
này làm cho các em bé lớn lên có một tâm trạng "hụt chân" hay bất thường trong
những lãnh vực khác vì đã "thiếu", vì "hiện tượng đi tắt", vì đã không đi qua,
hay sống trọn vẹn những kinh nghiệm bản thân trong thời gian cần thiết để phát
triển một cách tự nhiên và điều hoà. Nhận xét về sự phát triển tự nhiên này của các em
nhỏ, sách dạy trẻ nào cũng có nói đến.
3 - Thứ đến phần 3, bản năng phát triển
mạnh nhất của con người và cũng là công cụ làm nên các nền văn minh, những tư
tưởng cách mạng của những thế kỷ 18, 19 về các mặt trí thức, tâm lý và chính trị
và khoa học. Về phần khối óc, đây là bản năng cần "biết". Về phần con tim, đây
là bản năng cần "cảm". Có thể nói
là hiểu và thương. Phần biết dùng lý luận đưa đến khám phá, phân tích đem tới
một cái nhìn trung thực và mới về vũ trụ, đem hạnh phúc bình đẳng tự do đến cho
con người nhưng đồng thời cũng đem chém giết, chiến tranh tàn khốc và lừa lọc,
gian dối, cùng đam mê, ích kỷ, bạo lực và tự huỷ diệt.
Trong khi đó ta lại vẫn cần thương yêu
người khác và cần được thương yêu lại. Nhưng vì tính cách vị kỷ của khối óc, con người đã nhân danh
'"tình thương" mà tiêu diệt hết
những đức tính quý báu của con tim. Càng văn minh bao nhiêu thì càng có tâm bệnh
lý là vì thế.
Xã hội điều kiện hóa con người theo
những ý thức hệ khác nhau của nó, "thương trường" thành "chiến trường" và gia
đình/ trường học vốn là nơi vun trồng nguyên liệu quý cho sự trưởng thành của
"Người" đã thất bại ở nhiều nơi. Con cái không nghe cha mẹ ( vì chính cha mẹ đã
hoang mang), học trò không nghe lòi thầy ( vì chính thầy không còn là thước là
mực nữa ). Từ "thành công" ở đây chỉ có nghĩa là hơn người khác, và được khen thưởng vì đã khéo thích nghi. Tự do
và độc lập thành ra thống chế , dùng để ăn hiếp, và không coi ai ra gì nữa. Tình thương chỉ còn là
cái bóng mờ, một cái bánh vẽ.
Phần 3 vẫn bao gồm 1 và 2 , trong khi
chủng tử mang nhân của phần 4 vẫn nằm đó, trong trạng thái "nghỉ" hay "ngủ"? Có
người cho đến lúc từ giã cõi đời cũng không kinh nghiệm biết "4" là gì, như thế
nào, có người tự nhiên phối hợp 3 vào 4
một cách hoà đồng từ lúc nào không biết, họ thong thả đi vào tuổi già một
cách êm ru. Một số đông, tuỳ thái độ sống và tỉnh thức mà đón nhận và đi lên,
nới rộng vòng tay ôm đựoc phần 4 này, khi nhân 4 bắt đầu nẩy mầm...
4 - Phần 4, ta cứ gọi tạm là phần tinh
thần, khác xa hẳn kiến thức học hỏi từ ngoài vào của phần 3 bởi lý do suy nghĩ
lý luận tuy rất có ích mà vì thiếu tỉnh thức và quá ích kỷ nên đã làm hại cảm
thông giữa người với người. Vì hai bên
óc và tim lẽ ra phải trợ lực
hỗ tương cho nhau, trái lại đã làm hại nhau. Khi con người phản tỉnh và nhận ra
phần 4 có mặt nơi mình thì phần 1, và 2, tuy còn đó, chỉ như một điểm tựa và tự
nó sẽ dần dần được giản dị hoá tối đa, không phải là "Thực bất chi kỳ vị " mà
giản dị theo nghĩa là nhận xét đúng giá trị của vật chất và làm theo như một
chân lý. Còn phần 3 thì thay vì là cứu cánh 'trội" của lẽ sống, nay chỉ còn lại
như một phương tiện tuyệt sảo để đưa thân tâm đến một cứu cánh khác, đến một cái
nhìn xa hơn mà ở đấy "chữ tôi thành chúng ta". Sống trong phần 4 cần phản tỉnh
trong mỗi bước chân, cần giữ cứu cánh "con người" ở trọng điểm thắc mắc không
ngưng nghỉ, cần tận dụng hết cả những đức tính nhân văn của con tim. Khối óc
hướng về những vấn đề nhân văn, tôn giáo, triết lý, và siêu hình xoay quanh "con
người" nói chung, dùng sự suy tư trong tĩnh lặng để Trí tuệ trực giác phát sinh.
Trí tuệ là ánh sáng của "khối óc và con tim" khi không còn ở ở trong môi trường
tranh đua cá nhân của phần 3 , phần
số 3 này hoạt động với luận lý và phân tích, như kích thích tố điều khiển phần
2, hay cái dạ dầy điều khiển phần 1 vậy.
Ơ phần 4, vì kinh nghiệm suy tư không thể
có trong những môi trường "lao xao" được nên đời sống xã hội "thù tạc vãng lai"
được giảm bớt một cách tự nhiên, chiến trường "hơn thua" không có chỗ hiện diện
ở đó, và tiền của bạc vàng mất giá trị đi nhiều chỉ vì "lạc" chỗ bán mua. Giá
trị của vật chất chỉ còn là phương tiện phục vụ tối thiểu. Na ná như câu :Dĩ
thực tải đạo của người xưa?
Vì trong thâm tâm con người
biết rằng "nhân sinh tính bản thiện", nên ánh sáng của trí tuệ sẽ chiếu soi vào
bản chất của thể tính trong sáng "thiện" này và tự nó con đường dưới chân
"người" sẽ mang đến an tâm và hạnh phúc. Ở đây "thành nhân" mới là câu trả lời
cho sự tìm kiếm hay tu tập.
Theo kẻ viết bài này, tuổi đã
gần thất tuần mới nếm được ít nhiều cảnh thanh tịnh nơi phần 4, không biết có
dám kết luận rằng trong đời người bôn ba với cuộc sống, cho đến ngày về hưu có buông bỏ
được cái sóng gió của phần 3 để thân tâm trọn vẹn hướng về 4?
Sung sướng thay là những bậc có căn cơ
đi vào 4 một cách dễ dàng thong
dong hưởng thiện duyên để sửa soạn lên đường "hội nhập" vào phần 5 , khép lại
một vòng tròn viên mãn cho kiếp sống đáng sống. Họ đã đi trọn vẹn tới đỉnh "yên
bình"? Chỗ mây và núi gặp nhau? Trời và Đất hoà đồng?
Có một nhà thơ nổi tiếng* đã viết một
câu : "Người đi, mây trông theo."... Thoạt tiên khi mới đọc, ta tưởng như nhà
thơ say say, hay ông sắp chữ, người đánh máy nhầm. Vì thường thì Người phải trông mây bay đi chứ? Thế
nhưng càng nghiền ngẫm càng thấy thấm thía. Khó nói ra lắm, thôi để mỗi người
hiểu theo cách của mình vậy? Tôi thì trộm nghĩ rằng: Khi đã vượt ra khỏi phần 3
thì luận lý theo phạm trù có sẵn không còn giá trị nữa. Người nhìn mây, hay mây
nhìn người cũng "zậy"mà thôi. Nói theo chân lý, người hay mây cũng là hiện tượng
biến đổi trong vô thường, như vậy biết người đi trước mây, hay mây đi trước
người ? biết ai đi, biết ai còn lại để nhìn ai đi? Nhà thơ nói trên lại rất hay
viết về mây, ông thường nhìn lên trời thương mây hỏi gió và viết những câu như
:"Ôm mây ngủ một mình."...Ông nói ông thấy ông là mây trắng thong dong và nằm mơ
thấy mái tóc của Krishnamurti biến
thành một giải mây trắng sóa trên trời. Có lẽ "mây trông theo" của nhà thơ là
biểu tượng của phần 5 ? Từ cái yên lặng tuyệt đối, từ cái chốn "không" ấy nhìn
vào cuộc đời lao chao của những 1,2,3,4
thấy cái có mà thấy nó "hoang đường", và ở trong cái "không" mà hưởng
được cái không sanh không diệt thì chẳng phải là mây "thường trụ" nhìn người đi
"như huyễn" là gì?
Trong một bài thơ khác ông kể chuyện một
đêm trăng, mấy chú tiểu trèo lên nóc chùa cũ. Hỏi các em vác sào lên đó làm chi?
Các chú đáp :"kều "sao" !" Giống như kiểu bàn luận của chúng ta trên đây về các
phần 1,2,3,4,5 trong đời, nhưng thi
vị, đẹp và êm nhẹ hơn nhiều.
Tuyệt vời lắm.
Này nhé, một mái ngói cũ của ngôi chùa
xưa dưới ánh trăng sáng, chắc là sáng lắm, phải sáng đủ để cho mấy chú nhỏ thấy
đường mà vác sào ra chứ phải không? Thật là phông cảnh lý tưởng của phần 4 của
chúng ta. Đây là nội tâm thâm sâu, nơi tiềm ẩn câu trả lời từ những suy tư về
triết lý và tư tưởng của người xưa.
Đêm thanh vắng, trời trong và sáng vì có
trăng và sao. Anh sáng của trăng là ánh sáng của Tuệ giác chiếu tận vào lòng
biển sâu của tâm thức, khi mà gió
độc không còn sức hoành hành làm gió bão trong tâm hồn nữa? Mấy chú nhỏ không
đứng ở dưới đất mà đã ở trên cao rồi, (ý nguyện buông bỏ phần 3 đã rõ.) Ngôi
chùa cổ kính tượng trưng cho sự hỗ
trợ tinh thần, một bức thềm chắc dưới chân, một cái thang, một hướng đi tìm
mình, một bước đầu chập chững, rồi từ đó con người bỏ lại phiền muộn để tới một
nơi yên ổn tâm linh "không thể nghĩ và bàn"?
Y tưởng đi "kều sao" thật là vô lý, ngây
thơ và không khoa học chút nào, nói nghe như người mất trí vậy. Nhưng nghĩ mà
coi, nếu tôi nói rằng có những người đi tìm cái "ngoài mình" ở "trong mình" thì
nghe có xuôi tai được chăng? Cũng như khi nói Ngài Duy Ma Cật đem 3000 thế giới
vào trong một gian nhà mà gian nhà ấy không dãn rộng ra và 3000 thế giới kia
không phải thu hẹp lại. Nói vậy có hoang đường không? Nói "người đi, mây trông
theo" có hoang đường không? Bảo rằng ngồi yên một chỗ, nhắm mắt lại, tha hồ
tưởng tượng đi, rồi nói gì mà chẳng được? Nhưng nhắm mắt lại tưởng tượng do "cái
óc cần phân tích" ở phần 3 sản xuất ra chỉ làm cho loạn thần kinh và nếu là
người có tâm địa tốt thì sẽ mất trí luôn, nếu là người xấu sẽ có những hậu quả
bạo động đáng sợ.
Còn chuyện đi tìm chân lý và
đi tìm câu trả lời cho cái hạn hẹp của kiếp người không phải là chuyện hoang
đường. Vì chân lý là sự thật trong đời của mỗi người chúng ta: ăn, ngủ thở và đi
toa lét là một phần của chân lý, đau khổ vô ích, ao ước an tâm, hạnh phúc là một
phần của chân lý, khi chết muốn biết mình đi về đâu là chân lý. Tìm ra câu trả
lời để sống với đời mà có khinh an tự tại, làm sao mà bảo là hoang đường cho
được nhỉ?
Câu trả lời không phải là một
lý thuyết mới, cũng không phải là một công cụ nào giúp ta có thêm một phương
tiện gì tỷ dụ như ta muốn đi đến một tỉnh khác, thì có người giúp cho ta một
chiếc xe hơi. Không , không phải
như vậy. Tôi cũng như một số người trong chúng ta, do kinh nghiệm bản thân mà
biết rằng nguyên thuỷ chúng ta tiềm tàng một hạt giống rất "thiện" trong tâm,
thí dụ khi làm điều tốt cho ai tôi cảm thấy bằng lòng và rất đầy đủ trong lòng.
Cứ theo đấy mà suy ra thì ai ai cũng muốn cái tốt cả, vậy tại sao cứ có người
nghĩ xấu, nói xấu và làm xấu? và nếu muốn bằng lòng mình, sống vui tri túc thì
đi tìm nó ở đâu? Chẳng phải là "trở lại" nguyên tính của mình ư? Chẳng phải là
buông bỏ bớt những sinh hoạt lao sao tranh chấp vị lợi của phần 3 đi, bớt bớt
những đam mê sắc dục của phần 2 đi, để trở về với cái ngây thơ trong trắng của
tuổi ban đầu. Tôi tự hỏi có phải vì như thế mà nhà thơ đã chọn cho mấy chú tiểu
nhỏ đi "kều sao"không? Theo luận lý thì người lớn leo trèo và làm những việc như
thế có vẻ có kết quả tốt hơn mấy em nhỏ chứ? Tại sao những người lớn tuổi thấy
gần gũi với cháu hơn là với con đã trưởng thành? Tại sao họ hay quên chuyện mới
đây mà lại cứ nhớ chuyện ngày xưa? Tại sao đôi khi bị chê là lẩm cẩm? như con
nít rồi?
Con gái tôi, mới đây thấy tôi chơi, và
chuyện trò rất tâm đắc với cháu ngoại tôi 8 tuổi, nói với tôi rằng: " Mẹ đang có
thời kỳ thơ ấu lần thứ hai đấy nhé!" Tôi nghĩ là nó nói rất đúng. Cái vòng tròn
viên mãn tôi đề cập đến ở trên kia phải chăng là kết quả phải có khi hai đầu của
một giây thẳng gặp nhau? Đi mãi rồi cũng có lúc quay về?
5 phần trong kiếp du hành của một đời
người, thật ra nếu ta sống trọn vẹn mỗi giây phút trong hiện tại lúc đó thì
không có sự phân chia rõ ràng như tôi viết ở trên và cũng không có sự phải "trở
lại" để làm tiếp nối những "đốt sống" bị sao lãng, những trạm "ga" con tầu vội
vàng quên không ghé? Thiếu gì những chuyện người trở về thăm quê cũ chỉ để sống
lại vài giây cảm xúc của một kỷ niệm quan trọng mà mình chưa "sống" hết lúc đó.
Sau đó thì cảm xúc đi qua dễ dàng không bị "dính vào" tâm thức như một vết sước
thỉnh thoảng lại làm mình ngứa ngáy mỗi khi trở trời? Trở trời đây ví như bất cứ
trường hợp nào xẩy ra khi có một nhân duyên tương tự nhắc nhở đến kỷ niệm xa
xưa ấy.
Có một thời tôi đi tìm những người bạn
cũ ngày còn học tiểu học ở một trường nhỏ ngoại ô thành phố cũ. Như bị thúc đẩy
bởi một mong muốn tôi không biết chắc là gì và tại sao.. cho đến khi tôi tìm lại
được trường và các bạn, và được sống lại những giây phút của ngày thơ ấu, cho
đến lúc tôi nhìn thấy tôi rõ ràng, lúc ấy tôi mới biết cái tôi đã "có mà không
có đủ" lúc đó : Đó là thời gian mà gia đình tôi sống với nhau đầy đủ đoàn
tụ, một thời gian rất ngắn trước khi thế chiến II bắt đầu. Sau đó các anh tôi
chết trên chiến trường, chúng tôi bỏ ngôi nhà đó ra đi...Chỉ có độ 7, 8 năm sống
thực như một gia đình thường, có cả nghèo, đói, đủ cả ái, ố, hỉ, nộ một hoàn
cảnh rất thường thôi nhưng với tôi thì nó quan trọng lắm, thiếu tình cảm của môi
trường đó, tôi sẽ sống què quặt và lang thang như một con chó
ốm.
Tôi đã trở về ngôi nhà xưa nhìn lên ban
công thấy những chấn song còn nguyên hình sắt cong ngày trước, cửa sổ vẫn còn
vết mầu sơn cũ. Trong 5 phút quý báu, tôi đã sống lại 8 năm tròn "thiên đường
thơ ấu" với cái tỉnh thức của một cuộc đời dạn dầy từng trải, và tôi dang tay
nhận ấp ủ những gì đáng nâng niu, đáng gìn giữ làm vốn liếng tinh thần cho những
ngày còn lại, và bằng lòng tự nguyện buông ra nhưng gì làm thương đau không cần
thiết. Tôi nghĩ đến Marcel Proust một văn hào Pháp mà tôi rất thích, ông ta đã
nổi tiếng vì một kinh nghiệm tương tự. Ông đã sống cả cuộc đời trong phòng đóng
cửa kín để viết nên 20 tập hồi ký, mỗi tập dầy như một quyển Từ điển cỡ lớn. Tôi
thì không có được cái hân hạnh ấy nhưng tâm trạng tôi sau chuyến về thăm nhà (mà
tôi gọi là ông Carnot về thăm thầy học cũ) tôi phải thành thật mà nói tôi đã cảm
thấy rất thư giãn và sung sướng đủ trong lòng để mà không muốn thêm gì nữa. Như
ánh dương đến làm tan mây mù và cái âm u của một ngày giá lạnh, sau 5 phút "hành
hương" ấy và cho tới bây giờ, mỗi khi tôi nhớ lại tôi không còn thấy cái khắc
khoải, cái thiếu hụt, cái mình-nhớ-thương-mình., tôi không còn thắc mắc với cái
cảm tưởng như là phải làm một cái gì trong đời mà không có cơ hội làm vậy. Tâm
đã an?
Tôi cũng nhận thấy rằng nhờ phần 4 này
mà 1,2,3,4 gắn vào nhau một cách ngon lành và trong sáng nhưng lại giản dị và
nhẹ nhàng trong khi không gian mở rộng hướng về vòng tròn thứ 5 một cách thảnh
thơi. Tôi không/chưa có những kinh nghiệm thoát trần độc đáo để kể lại làm bằng
chứng nhưng sau những giây phút rất ngắn mà tôi cảm được cái tôi-như-thị-tôi ấy,
tôi biết là phải có một vòng tròn thứ 5 cho một con người trọn vẹn. Riêng tôi
sống với đời và với người, làm một thành viên có ích của trái đất đã là một hạnh
phúc lắm. Xin nguyện giữ cái nhìn
"như thị" mỗi ngày một hơn, và một trái tim tin ở mình và ở bản tánh hướng thiện
của "người". Tôi hằng mong là tôi luôn luôn có cơ hội thực tập thông cảm và tha
thứ những bước sai lầm của chính mình và của người khác.
* Nhà thơ là Thi sĩ Huyền
Không.
JennyHoang
(2000)