Bổn sư của tôi
Thầy Mãn Giác là bổn sư của tôi nhưng từ đầu tới cuối Thầy chẳng ra mặt dạy tôi chữ nào. Cứ phải giữ tỉnh thức mở to mắt ra, nhìn mà học lấy.Dù ở gần làm việc Phật cho chùa hay ở xa, tôi luôn luôn theo sát quá trình sống đạo của thầy, những thăng trầm trong cuộc đời tu sĩ của thầy và nhất là sự thể hiện của con người thầy qua Thơ. Phải nói thơ thầy Mãn giác làm tôi bật mí nhiều ý nghĩa khế cơ thâm sâu và là đề tài cho tôi suy tư. Nếu con đường tu của tôi là một cuốn cách thì mỗi câu thơ của thầy có thể làm tựa đề cho một chương trong sách đó.
"Kều được bao nhiêu sao?" Chính là
tâm trạng tôi khi nhập lưu. Nó có cái ngây thơ vô tư trong cái ngốc nghếch của nó. Câu "Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh" bật mí một chương khác trong cuốn sổ đời tôi. Tôi tiếp
nhận được lý duyên sanh trong sự vận hành của vũ trụ và từ đó
bắt đầu sống "ngang nhiên" giữa hiện tại đầy thử thách. Khi tôi học Hoa Nghiêm, tôi mới thật thưởng thức chữ "rạng ngời" trong câu "Khói hương mầu nhiệm rạng ngời Hoa Nghiêm" của thầy. Rồi tu trí huệ Bát Nhã để sống theo bát Nhã, tôi lại thấm thía lời "Đạt đạo" của thầy:"Kinh cang kinh khép trầm luân hết rồi".Mặc dầu trầm luân chưa hết, nhưng tôi đã nhìn thấy viễn ảnh con đường phải đi và bản đồ đã thuộc nhiều ít. Chỉ còn chú ý hết sức vào cái xe cũ này và tài lái của mình.
Tôi vẫn nghĩ rằng thầy Mãn Giác tuy không viết sách dạy tu mà cũng chẳng dạy đệ tử như tôi chữ nào nhưng thầy lúc nào cũng chia sẻ cuộc đời của thầy với chúng sinh và với loài người . Thầy không giữ cho mình cái gì cả. Thầy sống
không có sở hữu riêng như tiền của, như cơ sở, như người thân tín.
Có lần tôi được nhìn bóng áo nâu của thầy chậm rãi lướt trên hè đường phố Berendo, giữa mấy hàng cây nhạt mầu nắng. Tôi đã có một bức ảnh như thế này trong đầu:
Ngày thầy bỏ thân này ra đi, cái bóng "cô thân" ấy sẽ mờ
dần trên hè phố mà không để lại một dấu vết gì. Chỉ có một rung rinh rất nhẹ trong lá và một tiếng nhạc êm, chìm vào hư không như trong một thời gian "The End" của những phim cinê dịu dàng.
jenny hoang
1998