Ve  VoThuong va Duyen Sanh

                                      

                                         Jenny Hoang

 

Định luật "Vô Thường" chi phối mọi sinh vật hữu tình và vô tình trên trái đất, trong không gian và thời gian tương đối, làm nên tất cả mọi hiện tượng mà chúng ta có thể kiểm chứng được, hoặc bằng giác quan, hoặc bằng máy móc. Lá xanh thành lá vàng, tóc đen ra tóc bạc, trẻ hóa già, mới hoá cũ, chẳng có cái gì cứ như thế mãi. Đời giun dế có chừng một ngày, chó mèo cả mười năm, còn con người trên dưới 1 thế kỷ nhưng nói chung vô thường vẫn vô thường như nhau thôi.

Vô thường là một chân lý tối thượng của vũ trụ, dưới lăng kính đó, tất cả vạn vật bình đẳng, nhưng tại sao xã hội hay nói đến chuyện bình đẳng mà chẳng mấy nhắc đến lẽ vô thường? Thử hỏi ,trên bực thang phát triển từ vật chất đến tâm lý từ tâm lý đến tinh thần chúng ta có bình đẳng không?

 Trong thế giới hiện tượng không có sự thật bình đẳng. Nhất là đứng trong giai đoạn phát triển về mặt tâm lý gồm tư tưởng và tình cảm. Một là ngọc, và một là "vàng" cũng không bình đẳng được, trong khi tiêu chuẩn chính của giai đoạn này là thi đua, tuy chỉ là thi đua với giá trị bên ngoài của xã hội. Vì ở đây xã hội đóng vai trò giám sát và trọng tài quan trọng. Và bộ óc, con tim là những dụng cụ bị thử thách. Thí dụ một bên có kiến thức này một bên có kiến thức kia, hay cả hai có cùng một kiến thức, hoặc một người có bằng cấp này, một người có bằng cấp khác hay cả hai cùng có một bằng cấp, xã hội vẫn có cách phân chia thứ bực trên dưới hơn kém, anh này giỏi hơn anh kia. Phương tiện lý luận cơ bản là "so sánh". Trò chơi hấp dẫn nhất trong giai đoạn sống còn này có tên là "thi đua"và người nào "nhiều" hơn và được những thứ "lớn" hơn những ngưòi khác thì được gọi là "thắng". Nhiều đây có thể là nhiều tiền, nhiều bằng, nhiều nhà, nhiều xe, hay bằng lớn, xe lớn...cũng có thể là được nhiều người khen, nhiều giải thưởng có hạng trong những cuộc chạy đua tương tự.

Mỗi khi thắng giải, xã hội liên hệ của người đó cho họ một giải thưởng vinh dự lắm: Đó là chữ : "ThànhCông". hai chữ này quan hệ đến đỗi người ta có thể chết vì nó, có thể tán tậm lương tâm vì nó, có thể bán rẻ tất cả những gì cao quý nhất, những gì mình tôn trọng nhất trong đời mình, như bố mẹ, vợ chồng con cái, hay sự an tâm, nền hoà bình thế giới hay sự sống còn của môi trường chung. Những người có tình người hơn một chút thì hoặc sống an phận như những nạn nhân dưới câu an ủi "thôi thì đừng trèo cao lại ngã đau"hay là  gạt bỏ sang bên cạnh nỗi tự ty để âm thầm sống trọn kiếp với một mặc cảm tội lỗi vô ý thức và không cần thiết. Một số ít, (mà kẻ viết bài này muốn nghĩ là rất nhiều) có máu cách mạng, nghĩa là khi được dậy bảo cái gì cũng đặt nghi vấn, không theo ngay mà thử ít lần để lấy kinh nghiệm rồi theo suy tư riêng của mình mà thực tập trước đã. Máu cách mạng này không hẳn giống như cách mạng chính trị, mà nói là không "sợ" thì đúng hơn. Họ là những người đã có kinh nghiệm bản thân đụng chạm với 'vô thường" ít nhiều trong đời rồi, nhưng vì trung thành với lý tưởng "tôn trọng hạnh phúc và an tâm" của con người mà "liều" một phen sống mái với cái vô thường ấy. Gọi là vô thường hay gọi là "dâu biển" hay gọi là "hí trường" cũng là một thôi. Chữ "Vô thường" vốn có ít nhiều mùi vị tôn giáo khiến cho nhiều người không quen không muốn tới gần, hay là đã có phen bị nó làm điên đảo rồi nên không dám nghĩ đến nữa, làm như mình đang ở một thế giới khác không có cái gì gọi là vô thường. Thật ra vô thường không đến nỗi ác đức như thế.

Ngay trong chuyện thi đua để thắng giải, đoạt huy chương "thành công" trong xã hội mà không có vô thường thì làm sao có hy vọng người này tranh giải của người kia được nhỉ? Ai ai nấy nấy cứ ngồi yên một chỗ, trẻ không già, già không chết, bao giờ cho cây lúa nẩy bông, bao giờ cho trẻ thơ biết nói, bao giờ cho hết chiến tranh, bao giờ có hy vọng thức tỉnh dù chỉ là sau một giấc ngủ trưa?

Vô thường như vậy lại là một cứu tinh của loài người và là thiện tri thức bậc nhất của những người "liều mạng"  bỏ cái "hơn thua" và những phần thưởng "trông thì ngon lắm" của "hí trường" để đi tìm một  "chỗ đứng" nào, mà trong đó có sự thật bình đẳng, có tự do tuyệt đối mà phần thưởng là an tâm tự tại và tình yêu, mà ở đấy con người có sự kính trọng không gian của nhau tối đa. Đáng cho ta liều mạng lắm chứ. Tôi dùng chữ liều mạng trong hoàn cảnh khi bỏ bờ bên này mà chưa nhìn thấy bờ bên kia hay chỉ mới nhìn thấy lơ mơ thôi. Đã chót lội xuống nước rồi mà chưa nhìn thấy bờ thì hoảng lắm chứ, hoặc là phải có máu liều, dù là có người dẫn lộ cũng sợ, hoặc là biết lội một mình cũng sợ. Sợ cho đến khi hết sợ, nghĩa là đến khi ánh sáng từ bên kia bờ hiện ra với mình, chiếu tới mình, dù chỉ là một tý cỏn con, cũng mang đến niềm tự tin và lòng biết ơn vô bờ. Và từ đó nguyện lực quyết thắng của con người tiềm tàng từ bản năng sâu thẳm nào vùng dậy(?) cùng với ý thức rõ ràng là có quay trở lại cũng không được nữa rồi, vì giòng sông này không còn là giòng sông cũ nữa, vì cái thi đua, cái thưởng phạt, cái gọi là thành công xưa kia không còn lý do để tồn tại.

Tuy nhiên, nói thế có phải  là khi  nếm được vị nước của bờ bên kia là đã  thoát ra khỏi sự chia phối của VôThường rồi chăng? Là ta đã đang mấp mé lên mặt cầu bình đẳng tuyệt đối, hưởng lộc viên mãn của an tâm nhàn đạo?

 Đến đây coi như ta đã vượt qua ranh giới của luận lý "một=một" và "một + một=hai". Bắt đầu vào khu vườn của những người có nụ cười tủm tỉm trên môi với câu trả lời : "có thể có, có thể  không" hay "cũng được" cùng một lúc.

Có một thời tôi thường vừa bị "shốc" vừa mất bị kiên nhẫn với những câu trả lời "nửa nạc nửa mỡ" như thế. Nhưng nó cũng khiến tôi thực tập hạnh kiên nhẫn và khiêm nhường một cách bền bỉ. Một cách khôn ngoan thì đúng hơn. Vì tôi biết là họ có câu trả lời, câu trả lời thể hiện nơi cái cười tủm tỉm kia , nhưng có thể không thể nói toạc ra được, không vì bí mật quân sự, không vì tư tưởng quá siêu hình mà chỉ vì biết tôi còn đang bị kẹt với những khái niệm và  giá trị của một thời thi đua nào đó, cái kẹt nay đã thành chướng ngại cho tôi không tiếp thu được cái mới. Cũng có rất nhiều người như tôi.

Đến khoảng ngũ tuần trở lên khi trách nhiệm với gia đình và xã hội đã tạm yên,

khi gọng kìm nhị nguyên của xã hội nhẹ tay một chút trên thái dương, thì người ta mơí có can đảm nhìn vô thường tận mặt và chấp nhận nó như một sự thật không thể tránh được. Cùng một lúc cái "bình đẳng thật sự"lấp ló ngay đâu đây.

Không có sự bình đẳng trong thế giới hiện tượng đấu tranh còn mất để sống với thực tế tri thức và tâm lý, nhưng có bình đẳng tuyệt đối trong đời sống tinh thần. Con người bình đẳng trên con đường đi đến "thành nhân" (thay vì thành công) và sự bình đẳng này vừa vẫn nằm trong vô thường lại vừa vượt ra khỏi luật ấy. Vẫn nằm trong thế giới hiện tượng mà lại lớn hơn và ở ngoài thế giới hiện tượng . Và đây là tuyên ngôn của sự bình đẳng tuyệt đối : Tất cả mọi người đều muốn có hạnh phúc, và chỉ có được hạnh phúc khi tâm an. Tất cả đều bị chi phối bởi luật vô thường. Tất cả đều hiện hữu vì luật "duyên sanh"

Như vậy thì cả vật hữu tình lẫn vô tình đều bình đẳng tuyệt đối. Không có so sánh, thi đua, không có luật lệ xã hội, chính trị ở đấy. Chỉ có vạn vật không thể tự nó sinh ra nó mà phải nhờ vào rất nhiều duyên (sanh ra vì duyên chằng chịt vào nhau như cái mắt lưới ở trong một cái lưới lớn vô hạn)

Ta lấy thí dụ: một vật gì đó như  một cái bàn, cái bàn lẽ dĩ nhiên không tự nó thành cái bàn mà phải có duyên gỗ, thợ mộc, người bán người mua. Gỗ lại phải có duyên cây, thời gian, mưa nắng, mới mọc lên được, lại có duyên người đến xẻ gỗ về, người bán người mua, mưa nắng lại có duyên của  mây, gió, nước và hơi

nước từ sông , biển... Chưa kể ông thợ mộc ăn ngủ để sống, cần những duyên gì và ngoài ai đã sinh ra ông ta như bố mẹ ...2 bố mẹ lại có 4 ông bà, 4 ông bà lại có 8 cụ và những người này có lệ thuộc hết vào những duyên của người kia. Đời sống của người này là duyên của người khác, "dính nhau" hết. Đó cũng là một định lý rát quan trọng của Vật lý Học mới. Đức Thích Ca cũng đã nói thế từ lâu rồi. Chúng ta cốt tuỷ bình đẳng như thế. Chúng ta có mặt ở đây là vì nhờ có duyên với tất cả: người khác, vật khác và môi trường chung. Vì lý do đó mà chúng ta phải bảo vệ sự sống và bảo vệ môi trường vì chúng ta không sống một mình được ( không có người khác, không khí, hơi ấm và nước, thức ăn chúng ta sẽ=0) Chúng ta bình đẳng (giống hệt nhau) ở chỗ đó,. Bình đẳng trong duyên sanh. Và vì duyên sanh ra mọi vật hữu tình và vô tình, cho nên một biến đổi là tất cả biến đổi. Vì thế mới có câu " muốn thay đổi xã hội, hãy bắt đầu tự thay đổi mình"  và "hoà bình thế giới bắt đầu từ tâm ta."

Hiện tượng vì duyên sanh nên biến đổi, vì biến đổi nên vô thường? Cũng có thể nói vì vô thường nên biến đỏi, vì biến đổi nên vô sanh.(không có gì được cái gì được "một"cái gì khác sanh ra  mà là tất cả những cái khác sanh ra một cái, đồng thời một cái sanh ra tất cả những cái  khác)

Nói ta được bố mẹ ta sanh ra ta là đúng ư? vậy ông bà ta có sanh ra ta không? và tổ tiên ta có sanh ra ta không? những người thợ cầy thợ cấy không quen biết nào đó có sanh ra ta không?

Kết luận : duyên sanh là vô sanh. Không có gì được sinh ra, không có gì mất đi.  Nếu không có gì mất đi thì làm gì có chuyện "chết là hết chứ ". Thế mà người đời ham sống sợ chết , nói rằng :"đến con sâu con bọ nó còn muốn sống nữa là..."Chỉ là  biện hộ thôi. Cái "sợ chết"đã thâm nhập vào cốt tuỷ, chỉ có hiểu được nguyên lý "vô sanh " mới hết sợ sanh diệt. Hết sợ chết. Hết thật, hết luôn. Nó hết, nó đi luôn vì đã chỉ là một hiện tượng của tâm vô thường, mà không phải là chân lý. Vì ta đã  hiểu lẽ vô sanh thì cũng chứng ngay lẽ vô diệt cùng một lúc.Không có gì sanh, không có gì diệt, không  có gì biến mà cũng không có gì bất biến.

 

Người sống trong xã hội, nói chung đang bị định luật vô thường và duyên sanh chi phối, nói riêng đang bị áp lực thi đua của xã hội hay dùng từ "bất biến" để chỉ cho những tình cảm sâu sắc như tình yêu trong khi thề thốt. Mình nói cho vui miệng thôi thì được, còn trong thâm tâm  phải hiểu đúng chỗ, kẻo đi lạc đường. Tình cảm  nằm trong bình diện tâm lý, là một trong những hiện tượng tâm lý chịu luật vô thường và duyên sanh. Không có gì "bất biến"  ngoài định luật duyên sanh và vô thường. Có như thế thì sự cố gắng để thành người mới có ý nghĩa. Nếu "tình yêu " là "bất biến" rồi thì cần gì phải lo cho mệt xác, nếu nó "bất biến" thì cứ để kệ nó đấy nó cứ tự nó tồn tại mãi mãi với ta tại sao ta cần nuôi dưỡng, tại sao ta cần cải thiện, tại sao ta cần tha thứ để cho tình yêu có thể nẩy mầm sinh hoa lá tốt tươi. Con người chỉ có đáng khen hơn con vật, ở chỗ dám đi ngược lại giòng phóng túng giải đãi, những cơn tham và giận, giữ tỉnh thức để khi nhận ra cái tốt thì  quyết định nuôi nó lớn khôn, giữ nó tồn tại, chia sẻ nó cho mọi người. Khi gặp cái xấu thì nhất quyết thả (hay thở) nó cho đi vào hư không cho chóng tan đi. Những đức tính đó đến từ trách nhiệm với mình với người và với đời. Và nếu không bảo đảm cho mình có một tự do và độc lập tương đối thì không thể gánh trách nhiệm đó được.

 

Người sinh ra trong ấm no và hoà bình thì dễ sinh hoạt hơn người phải lo sinh kế và ở trong thời lửa đạn. Không thể nói phét là ở đâu cũng có độc lập tự do được.  Người ở trong một môi trường có phương tiện học hỏi, có sách vở, có giao thông thì tiến nhanh hơn người không có cơ hội. Tất cả đều là duyên sanh mà ra. Tuy nhiên ngồi ì ra mà chờ duyên thì lại mất tỉnh thức không còn trực giác nhạy bén để "bắt" duyên.  Có tỉnh thức và có nguyện tạo duyên thì duyên dù ít nhiều tốt xấu mấp mé ở đâu xa cũng "với" tới liền.

 

Người đời lại gọi gặp duyên là may mắn. Thưc ra duyên đi theo định luật nhân quả. Tuy nhiên có những quả không đến ngay tức khắc như chuyện trồng cam ăn cam trồng chuối ăn chuối  mà thường là phải đợi cho đầy đủ các duyên phụ mới thành quả. Có khi đợi hàng đời hàng kiếp, chờ ảnh hưởng của nhiều duyên khác nữa.

 

Tánh của vạn vật chịu luật duyên sanh là "huyễn". Nó "như huyễn" chỉ là vì nó duyên sanh mà thôi. Huyễn= không thực. Như cái bàn hồi nãy ta đặt tên cho nó là cái bàn thôi, nó thực ra là gỗ+thợ mộc+bố mẹ tổ tiên ổng+cơm gạo và thợ cấy thợ cầy làm ra cơm gạo, nếu ông thợ mộc này có đi chống Tây, Mỹ nữa thì cái bàn này lại có dính cả dân Mỹ dân Tây vào đó mặc dầu nó chẳng biết đến Tây, Mỹ nào cả. Vì vậy cái bàn không có thực thể nhất định. Trong thời gian và không gian vô thường, nó sẽ tan rã trở về đất  và làm phân nuôi những cây khác hay là nuôi loài người nào đâu đó trong tương lai. Ông thợ mộc cũng vậy, người ta gọi ông bằng một tên và cho ông những giá trị nào đó trong một cộng đồng nào đó, khi ông ra ngoài cái môi trường đó, ông sẽ có thể bị đánh giá theo bực thang giá trị của môi trường khác. Người không có nền tảng tự tin của "người" mà lại phải luân lạc lang thang thì khó mà đứng vững lắm, vì cứ lo theo người ta để thích nghi thì hết cả nghị lực tiến lên làm người.

 

Vấn đề là khi mình thấy mình có "thân" mình rồi thì không thèm cái "bóng" của người khác nữa. Không thèm cả so sánh, không thèm so sánh vì giá trị xã hội thay đổi không có tiêu chuẩn nhất định.Người có tự tin làm hết sức mình không  phóng dật giải đãi rồi buông tay ra không thèm so sánh kết quả với ai. Người không làm hết sức mình  sẽ có tự ty mặc cảm hay mặc cảm tội lỗi và ân hận, trách móc đổ tội này kia v.v...tự phá huỷ hạnh phúc một cách vô ích.

 

Đây là nói một cách lý tưởng thôi, sự thật không như thế, phải vất vả hơn nhiều mới đến được chỗ đứng vững như vậy, tuy nhiên không phải là sự "không thể có" và "không nên cố gắng" để tới đó Chúng ta không nên có ảo tưởng cho  mình là đã đến được mức ấy, nhưng đây là bản đồ của cái lý tưởng chúng ta cần mang theo. Trên đường đi sở dĩ ta sửa đổi được nhiều lắm cũng là nhờ có luật vô thường vậy. Cái cốt yếu là nhìn sự thật, tỉnh táo thấy cái "nên bỏ" và "nên giữ". Nhầm chỗ này thì nguy lắm. Chắc chắn biết cái nào nên bỏ và cái nào nên giữ thì không sợ hãi trăn trở nữa.

 

Thí dụ "Tình yêu" tự-trong-tâm-mình là nguồn cho đi tuy cũng huyễn nhưng là một đức tính nên vun trồng. Tình yêu đến từ ngoài mình là một "huyễn" không nên bám víu, vì mình không chủ động.

Những sự đau buồn nhức nhối trong tâm gan thì phải tập bỏ. Nó huyễn mà nó vẫn làm được mình "đau" được, một  khi mình chưa nhìn ra bộ mặt huyễn của nó.

Kết luận : Nhờ cuộc đời vô thường như một chiếc bánh xe quay mà ta có hy vọng thay đổi và  trưởng thành, dựa theo chiều bánh xe mà tự chuyển hướng tìm đường đi tới hạnh phúc và an tâm. Cũng nhờ thấy được vô thường mà  ta chấp nhận dễ dàng hơn những lên xuống của cuộc đời bấp bênh này. Người mang bệnh, thân thể không khoẻ mạnh không thể nào vui vẻ được, nhưng nhìn bệnh như một người quen thuộc lâu lâu viếng thăm  một lần thì đỡ khổ hơn là phải chạm trán vói một kẻ thù cần phải đánh đấm với nó suốt ngày đêm. Sống trên đời chẳng khác gì lái xe trên một quãng đường quanh co, tay lái phải rất vững, vì hướng đi phải đổi liên hồi.

 

Nhờ vạn vật duyên sanh mà ta lèo lái sự chuyển hướng đó một cách dễ dàng : đi vòng quanh những chướng ngại cản đường và  tạo thêm duyên cho những động lực cần thiết. Đừng tạo thêm duyên cho mhững cơn nóng giận vô lý thì sẽ làm chủ được nó và bỏ nó lại đằng sau. Tạo thêm duyên có thể là cho nó một lý do nào đó để tồn tại, hoặc khăng khăng cho mình như thế là đúng. Đi vòng quanh qua một chướng ngại ( có thể là lo, buồn, muốn, yêu, ghét, sợ ) bằng sự yên lặng ta với ta trong giây lát để hơi thở đưa ta về với nội tâm sâu thẳm ở đó không có dấu của tranh chấp thi đua làm nên thất vọng hay đắc thắng. Như lòng biển sâu yên bình mặc dầu trên bề mặt gió bão vẫn làm nên sóng, gào thét không ngừng.

 

Nói tóm lại , vượt qua được chướng ngại để lớn khôn, "thành nhân" trong hoà bình tâm hồn và hạnh phúc, cần nhất là phải "có mình" và "nhờ mình" chủ động trước và sau hết. Quán sát ngoại giới và suy tư và bằng trí tuệ của mình, tự chứng lẽ vô thường và lý duyên sanh vô ngã là điều không thể không làm. Muốn gọi vô thường hay vô ngã bằng tên khác cũng được nhưng cần phải hiểu vai trò của nó trong đời mình và trong môi trường mình đang sống. Nhìn thấy khả năng và quyền sống của mình, trên một con đường tự do phăng phăng trước mặt như người mới có bằng lái xe, lần đầu mới mua xe mới vậy.

 

                                       Jenny Hoang

                                            7-2000