Cam đoan là chuyện có thật 100%

 

Jenny Hoàng

 


Câu chuyện có hai vai: ông và bà. Bối cảnh: tình cảm và trách nhiệm vợ chồng.

Những năm trước, bà bạn của chúng ta tự ví mình như “cây nhà lá vườn với ông chồng của bà ta. Ông ta cho đấy là do “tình yêu sâu đậm, tự nhún mình khiêm nhường”của bả. Ông cảm động vì bà đã “tận tâm săn sóc chu đáo” cho ông, đã để cho ông “xử dụng”  “bất kể trong hoàn cảnh nào”.

Nhưng nay ông “buồn”... vì “lực bất tòng tâm”. Ông ngồi viết lách một mình để bà đi chùa cũng một mình. Ông bà bây giờ có bầu bạn riêng. Hai nhóm bạn già, một nam một nữ.

Cho rằng đấy là chuyện riêng của hai ông bà, nhưng cũng có thể là chuyện của cả một thiên niên kỷ đang chuyển mình, để tìm đường tiến và thăng hóa những khác biệt nam và nữ, những khổ đau không cần thiết, và một tương lai cần sự hợp tác của toàn thể, không phân biệt giới tính.

Khi mới nghe hai ông bà nói xong, tôi giận lắm, xong tôi lại thương. Giận là đã có quan tâm, nhưng thương thì không phải thương hại vì tôi thông cảm tình trạng bất ổn này ắt chỉ là triệu chứng tự nhiên của một căn nguyên xâu xa hơn . Giận và thương mà cho qua đi thì quả là không có.

Sau đây là lời lẽ phân tích và phê bình cùng những ý kiến xây dựng còn phôi thai trình bầy cùng những bạn nào cũng quan tâm đến vấn đề này ở những xã hội còn rơi rớt ít nhiều những mảnh vụn tàn lụi của truyền thống “chủ nhân ông”.

Lý luận là của riêng tôi nhưng tôi tin là phần đông các bạn cũng chia sẻ những tư tưởng này, nếu các bạn đồng ý với tôi rằng con người trước hết có quyền sống và có quyền đi tìm hạnh phúc trong độc lập và tự do tình cảm và tâm linh.


Phần nhất:


 

 a/ Chính sách chủ nhân ông? Vợ = cây nhà lá vườn ? Thế nào là nhún mình ?


Tôi có ý như sau:

Một người sáng suốt không thể tự coi mình là sở hữu của một người khác, và cũng không bao giờ để cho người khác đối với mình như thế. Nhất là trong đời sống vợ chồng, đã được coi như một hợp tác chặt chẽ trong nhiều lãnh vực nhất : sinh lý, tình cảm, tinh thần, đạo đức cần thiết để nuôi dậy con cái hầu tạo dựng xã hội và nòi giống. “Tự nhún mình, và khiêm nhường” là một đức tính quý, khác hẳn với cái thái độ đặt mình vào một thế “nô lệ”coi như là sở hữu của một người khác. Một người sáng suốt dù khiêm nhường đến đâu cũng không sống đến độ mất tự do cá nhân của mình.

Kết luận : ở câu nói ”cây nhà lá vườn” này không có tý gì là khiêm nhường và nhún mình cả. Khiêm nhường là thái độ của người trên hay ít nhất cũng ngang hàng, trái lại tự coi mình là sở hữu của người khác là một thái độ của kẻ dưới. Lại xin chú ý một vấn đề quan trọng: Khi Nam và Nữ chung sức làm  việc, hai bên tuy khác nhau nhưng vẫn có chung đặc tính người và trách nhiệm người, nhất là tài năng của NGUOI. Nếu

xử sự công bằng được như thế thì xã hội sẽ tiến nhanh và quốc gia sẽ hùng mạnh. Nếu nhìn Nữ là một phần lệ thuộc vào Nam để vâng lời và phục vụ thì chính Nam sẽ mất đi một sức hỗ trợ to lớn vô cùng và cuối cùng sẽ rơi xuống “tự do” vì những lỗi lầm của cái ngã mà không có sự cân bằng đủ để kéo lên được.

Phải chú ý là nam và nữ khác nhau nhưng không thể so bì theo kiểu ai hơn ai kém. Khác nhau là vì có cái nam làm được mà nữ không làm được, có cái nữ làm được mà nam không làm được. Nam có thể vác nặng, nhưng nữ có thể đeo cái thai trong 9 tháng và đẻ con và cho con bú. Nếu hợp tác thì rất có lợi, nếu một bên chỉ huy theo chủ quan thì cả hai đều thiệt thòi. Và thiệt thòi nhất là những thế hệ sau.

Ông bạn của chúng ta nghĩ sao về câu nói “cây nhà lá vườn” của vợ? Ông thỏa chí và hãnh diện mà nghĩ rằng bà nói thế là để ông “xử dụng thoải mái” trong “bất kể hoàn cảnh nào”. ( những chữ tôi đóng trong ngoặc kép là nguyên văn những chữ vai trò đã nói với tôi như thế.) Ông cho là bà đã nói lên một “ tình yêu sâu đậm đối với ông.


 

Phần  hai:


b/  “Để ông “Xử dụng thoái mái” “bất kể hoàn cảnh nào”


 

Có thể nào một người nói về “xử dụng”một người khác như thế không? như nói về một con vật kéo xe hay một đồ vật gì trong nhà? Có thể nào ta không rùng mình trạnh nghĩ đến một thời mà người ta dùng người khác như nô lệ? nam dùng nữ như vậy trong việc thoả mãn thú tính thì là một hình thức hiếp dâm, khi trong quân chế mà một vị vua với hàng ngàn cung tần, một lối sống chàng- năm- thê- bẩy- thiếp còn em-chính chuyên- chỉ- có- một- chồng”? Chính người Nam xưa làm nên những câu ca này để tự cho mình cái quyền sở hữu ấy chứ gì. Thời phụ hệ đã không mang lại một tiến triển nào cho thế gian chỉ vì : đáng lẽ ra có hai sức làm việc mà lại chỉ có một người làm chủ và một người làm mọi.

Về phần chi tiết, khi người nói câu này ám chỉ việc chăn gối phòng the : lại càng ghê tởm nữa. “Bất kể hoàn cảnh nào ? khi người vợ chưa sẵn sàng, hay mệt, khi có mang, sắp sanh, khi người vợ ốm đau, khi trong tâm có chuyện không vừa ý, khi không muốn gần đàn ông vì một lẽ riêng ? Khi có chuyện buồn bực trong gia đình? Khi cảm thấy chồng đã đem tình cảm cho một người khác, khi bận rộn với việc nhà như nuôi dậy con cái và nấu ăn, giặt quần áo, lau nhà quét nhà, khi đang lo tiền để nuôi gia đình, khi con cái đang ốm đau hay gặp chuyện khó khăn, khi đang có vẫn đề bức xúc với chồng chưa được giải toả, khi chưa có thông tin thẳng thắn và thành thật hòa hợp, khi ấm ức mà chưa biết “đổ rác” lòng vào đâu ? bất kể tất cả những hoàn cảnh trên ? một người thường cũng không làm như vậy với một người khác huống chi là vợ mình. Chữ  Xử dụng ở đây, giữa người với người, đã mang một  nghĩa xấu rồi, câu bất kể hoàn cảnh nào lại làm cho cái nghĩa xấu ấy nặng lên muôn ngàn lần. Một người nam có tư cách và sống có trách nhiệm không thể nào có những tư tưởng về người nữ, tức là người bạn đồng hành của mình như thế, mà coi là hai người có ”tình yêu sâu đậm” với nhau được.

 Ông nghĩ rằng bà nói thế là vì bà “chỉ mong cho ông khoẻ và tâm an.”


 

Phần ba:

 

c/ Chỉ mong ông khoẻ và tâm an.... (chỉ ???)

 


Nhiệm vụ của người nữ có thế thôi hay sao? Còn người nam thì làm gì? Đi làm mang tiền về nuôi ư ? như nuôi một con gà con qué ?

Người nào mang đặc tính của NGUOI cũng có bổn phận phải tìm an tâm cho chính mình trước đã, sau đó chia sẻ cái đó với người bên cạnh, nếu có hai người hợp hai cái an tâm riêng lại tìm hạnh phúc chung thì lý tưởng hết sức và có thể làm được việc lớn đấy. O đây trái lại có một chủ nhân ông và một người hầu, một “cây nhà lá vườn” có bổn phận làm cho ông chủ an tâm thoải mái ?

Hèn chi xã hội cứ đi dật lùi mãi: Nói thì muốn ngang hàng cùng các cường quốc năm châu, mà làm thì không làm như họ: họ có cả nam cả nữ chung sức, mình thì có hai, lại mất đi một, vì nửa

còn lại đang xử dụng nửa kia cho mình thoải mái và an tâm. Mà lại còn xử dụng nhầm nữa cơ chứ  Chỉ có mình làm mình an tâm được mà thôi, không ai làm mình an tâm được. Ngày xưa ông vua có ba ngàn cung nữ, có an tâm thoải mái không.?  Ba ngàn nữ để xử dụng bất kể hoàn cảnh nào đấy.

Ông bạn chúng ta dám kết luận là những ý trên mang: “tính nhân văn rất chi là người.”  Ông “buồn” cho các bà nào đã không hưởng trọn hạnh phúc chủ tớ đề huề này mà lại bỏ đi chùa, hay lơ đãng sống qua ngày như những “cây kiểng  trong sân nhà”. Tôi cảm thấy xấu hổ thay cho những đấng mày râu như ông.

 

 


 

Phần bốn:

 

d/Đặc tính nhân văn rất chi là người

 


Nhân văn có nghĩa gì : nhân văn nặng nhất về sự kính trọng lẫn nhau, ý nói người kia ngang hàng với mình trong căn bản, nhưng vì những hoàn cảnh khác nhau mà mất đi thành chênh lệch, do đó mà phải giúp đỡ lẫn nhau để tìm lại tính cách NGUOI của nhau. Nhân văn đặt cái nhìn bình đẳng này lên hàng đầu trong sự đối đãi giữa tất cả mọi liên hệ, mà liên hệ nam nữ là cái trọng hệ hơn cả vì có con cái. Xã hội hy vọng con trẻ là những thế hệ điều khiển tương lai, hầu đưa con người về với nhân văn trong đời sống. Bố mẹ xử sự với nhau như thế nào rất có ảnh hưởng đến khí phách, trí thông minh, và đường lối sống của con cái. Nếu Nam và Nữ là bố mẹ mà không thoát ra khỏi cái chính sách phụ hệ chủ nhân ông này thì con cái không bao giờ biết đựoc nhân văn là như thế nào. Thí dụ con dâu có mẹ chồng cay nghiệt, lớn lên nếu không tỉnh thức để thay đổi thì cũng lại cay nghiệt với con dâu mình vì tưởng như thế là sự thật ở đời. Con trai thấy bố đối xử với mẹ mình như thế nào sẽ đối xử với vợ nó như vậy. Người đàn bà mãi mãi chỉ là một thứ công cụ giúp việc đắc lực nhưng lại là một thứ đồ chơi thụ động và chóng chán. Các ông chồng của các bà không bao giờ được hưởng cái thú có bạn tri kỷ tương phùng “khác phái” cho và nhận đồng đều. Điều này ai đã có kinh nghiệm đều phải công nhận rằng đời sống vợ chồng khi là một cặp tri kỷ  (như Quách Tỉnh và Hoàng Dung ?) có thể luôn luôn đổi mới và... không gì dễ chán nhau đâu.

Riêng bà bạn của chúng ta trên đây, nhầm mà tưởng làm “cây nhà lá vườn” như thế là vợ hiền, chỉ vì bà đã không may mắn có ông chồng vỗ tay khen bà là “nhún mình”, là “khiêm nhường”, là “nhân văn”.

Ông cũng nói thêm là ông buồn vì khi về già “các bà hay bỏ đi chùa” và trở nên vô tình như những “cây kiểng” ngoài sân vậy. Vì lý do đó mà ông lo sẽ có sự trống vắng và cô đơn đến nơi.


 

Phần năm

 

Vài giòng nhận xét thêm:

 


 e/Tại sao các bà khi bước vào tuổi hoàng hôn này lại hay đi chùa vậy? Hay nếu không thì lại trở thành vô tình như một cây kiểng ngoài sân ?


 


O những nước chậm tiến như nước ta, nếu những người nữ nào có một chút tỉnh thức, hay bất bình về thái độ “xử dụng” này thì, nếu không ý thức rõ để mà nói ra được, phần đông là có cũng không dám nói ra đâu, họ thường chỉ còn một cách là nín lặng, sống như một “cây kiểng” hay lên chùa học kinh cho thoát nợ đời. Một số các bà vợ này chi hiểu kinh một cách rất tiêu cực, như ‘đời là bể khổ’ và ‘ta bà là cõi chịu đựng’  nên tôn giáo là một cảnh đáng buồn. Chỉ có một đoàn các bà già với nhau. Đáng buồn vì không làm nên được việc

gì cả chỉ phí công mà thôi, lại không quen suy tư và không có hậu thuẫn thì dành bó tay. Nam mà có đủ thông minh thì sẽ tự giải phóng cho mình ra khỏi cái nhìn phụ hệ này và hãnh diện nhận sự đóng góp ngang hàng của nữ mới đúng. Đáng lẽ ra ông bạn của chúng ta nhìn thấy như thế thì sáng mắt ra và cùng bà vợ thay đổi cái nhìn, chuyển mối liên hệ ‘chủ nhân ông’ này thành một sức mạnh vũ bão có lợi cho cả hai về mọi mặt, thì ông lại than buồn vì ”không ai chịu ai “


 

Phần sáu:

 



 g/ Khi ông lực bất tòng tâm, không xử dụng nổi được bà nữa thì mối liên hệ trở thành “ không ai chịu ai” = một hoàn cảnh không có lối thoát?


 

Ông chỉ thấy được là nô-lệ-bà đã phản chủ-nhân-ông...bỏ ông để lên chùa hay ra vườn làm cây kiểng . ha ha, đáng cười ra nước mắt. Đây mới thật là một chuyện buồn thật. Buồn vì nam không nghĩ ra cái mất mát lớn của mình, khi mất một đồng minh có hạng như nữ, mà lại lẩm cẩm buồn khi mất đi một tên nô lệ = cây nhà lá vườn.? Buồn ơi là buồn. Mong con cháu mình  nó sáng ra nghĩ được hơn mình thôi. Biết đến bao giờ nhỉ? Tuy nhiên mình cũng phải cố hết sức kiếp này, vì biết kiếp sau có được làm người mà tiếp tục không? biết kiếp sau có gặp bạn đồng hành sống với lý tưởng nhân văn thật không?

Phải bỏ, không những phải bỏ, mà phải chống đối cái thái độ “ không ai chịu ai” đó!! Nếu vẫn còn ý tưởng muốn một người phải chịu một người  thì không xong, lạc đường rồi, phải quay lại ngay đi. Tại sao một người lại phải chịu một

 

người? Thế hoà đồng, đồng thuận nói sang sảng mỗi ngày còn có nghĩa gì không? Tại sao cứ có chuyện một người đòi và một người phải

 “chịu” , phải “cho” ?  Thế cả thế giới đang hô hào thông tin thành thật thẳng thắn để làm gì chớ !!!

 


 Tìm một lời giải :

1-Có lập trường sống.

 


Chính thái độ “ xử dụng” và ‘ chịu đựng” nhau này đã gây ra buồn đau vô ích, đã gây ra chiến tranh, nhũng loạn và làm mất đi khả năng tìm hạnh phúc, món quả bẩm sinh trời cho chúng ta. Phật gọi thái độ u mê này là tánh THAM. Chúng ta quyết không chấp nhận thái độ ai phải chịu ai, một được một thua này, dù không làm được gì chúng ta cũng vẫn giữ lập trường chống đối rõ ràng của mình. Không đầu hàng thái độ vị lợi bất công như vậy. Nếu mình không thành công thì sau này con cháu mình chúng nó sẽ thành công, Mình làm hậu thuẫn cho chúng. Chúng sẽ hãnh diện về cha mẹ chúng.

Người ta sinh ra khác súc vật và cây cỏ là ở chỗ muốn mỗi ngày một toàn vẹn, gần bản tánh chân thật hơn, để có ích cho người khác và có ích cho môi trường, ở chỗ đi tìm hạnh phúc chung cho nhau. Người không làm được như thế thì đã tự đánh mất mình.

Cái hay nhất của mỗi người là tự mang lại an tâm cho mình sau đó thay đổi ít nhiều xã hội mình đang sống, có khi chỉ bằng sự tỉnh thức của mình, có khi bằng hành động có khi không có hành động gì cả, mà chỉ có ảnh hưởng đến thế hệ sau bằng lối sống của mình, có khi chỉ bằng ý nghĩ của mình tuy không nói ra mà người bên cạnh cảm thấy và làm cho họ nghĩ ngợi suy tư một chút.


 

2/  Luôn luôn tự hỏi rằng mình có đủ sự trong sáng tròn đầy để ảnh hưởng đến người bên cạnh không?


 


Tôi biết là ai ai cũng muốn trở thành người  ‘tốt” có ích cho chính mình rồi có ích cho người thân của mình, nhưng tại sao cứ có những người “buồn” khổ và cô đơn vì những tư tưởng tốt và hành động muốn cái tốt của họ? Cái đó làm tôi quan tâm vô cùng, vì tôi cũng muốn trở thành người tốt, sau đó có ảnh hưởng đến ai, hay đến đâu thì biết đến đó, tôi không có tham vọng gì hơn là sự an hoà khi mình khi đối diện với mình và một niềm vui êm đềm trong tâm.

Thái độ này của tôi mang nhiều ân nghĩa lắm, tất cả những ai đã đến trong đời tôi, ít nhiều đã mang lại những đóng góp tôi không bao giờ quên. Chính những ân nghĩa này đã làm thành một mạng lưới che chở và giữ thăng bằng cho tôi. Chỉ cần một kỷ niệm nhỏ, một tý tẹo tì teo cũng đủ để cho tôi suy nghĩ và xử dụng để trở thành tốt hơn trong đời. Và không quên niềm ân tín. Tôi mang ơn rất nhiều người, có người tôi còn thân, có người đã đi


 

 

 

 


qua rồi và chắc không bao giờ còn gặp lại nữa. Có người biết là tôi mang ơn,  phần đông là không biết, có khi lại còn cám ơn tôi hoài. Tôi cũng không nói ra, để trong tâm thôi, làm vốn liếng tinh thần. Có lẽ thay vì nghĩ đến thành quả trong việc “xử dụng” ai, ta nên mở tâm đón nhận cái bao la là niềm tri ân vô hạn này?


 

 


3/ Lý tưởng thông tin thành thật và thẳng thắn (6 chữ t ) là một lợi khí căn bản sắc bén để thay thế chính sách chủ nhân ông.

 


Tôi chân thành mong cho tất cả tìm được lối mòn an tâm hạnh phúc cho mình và cho người thân yêu của mình trong tuổi già, không phải làm một cây kiểng vô tình trong sân. Tôi may mắn không thành cây kiểng vì dưới chân tôi bao giờ cũng là con đường của những ngày mới, con đường tôi hằng chia sẻ với người thân sơ cùng chí hướng. Trên con đường này, không có người nào xử dụng người nào, hay “ai làm cho ai” an tâm sung sướng cả. Chỉ có tất cả nhìn vào một hướng chung là nhân văn, và đi bên nhau. Rồi hạnh phúc tự nó sẽ đến, dưới cái dạng riêng của hoàn cảnh đó, ngọt ngào và êm đềm.

Tình đồng chí, tình gia đình, tình bạn, và tình yêu xưa nay vẫn được người ta tôn thờ như một lý tưởng thắm thiết. Cao như non xanh, và sâu như biển lặng. Ngọt như  quê hương, và say sưa như rượu lạ. Trở lại chuyện hai ông bà, mà ông thì buồn buồn vì đến tuổi hoàng hôn, bỗng thấy mình ngồi uống trà một mình trong khi bà hàng tuần lặng lẽ đi chùa rồi về nhà sống cô đơn như một “cây kiểng”. Thảo nào trong đời sống vợ chồng kiểu này, khi đến tuổi không còn hứng ái ân, người ta không còn nói chuyện đến cái tình nữa mà chỉ nói đến cái nghĩa. Nhưng tại sao lại phải đổi cái tình lấy cái nghĩa ? Tại sao không có tình rồi đến tuổi già thêm vào đó cả cái nghĩa luôn nữa ? tại sao không?

Tôi lý luận rằng tình đồng chí, tình bạn, tình gia đình, có gì là lãng mạn, có gì là ái ân đâu, tại sao nó có thể tự sống, tự vững, tự thăng hoa, tự ươm hoa kết trái như thế? Trong đời sống vợ chồng tại sao cái tình lại cứ phải qua những đoạn cầu “buồn” để rồi chép miệng buông ra một tiếng : “cây nhà lá vườn”. Như là để tự an ủi rằng ta cũng đã có một thời gian có ích cho đời? Như thế là có ích cho đời ư ? Tôi nghĩ rằng bà bạn chúng ta có thể làm hơn như thế, hơn là để người khác “xử dụng” trong “ bất kể hoàn cảnh nào”. Tôi nghĩ rằng ông chồng bà cũng có thể làm hơn như thế, thay vì chỉ có *một* cây nhà lá vườn “ để xử dụng” ông sẽ có tất cả các vườn cây muôn mầu muôn sắc, tự do như ông trên trần thế, và ngay bên ông để cùng ông lớn lên, khoe sắc hương và sống mãi mãi với thời gian qua những vườn cây đang lớn lên sau ông. Bởi vì khi bà không bị “xử dụng” nữa thì bà có sẽ có đủ tự do thành những vườn cây khoe hương sắc tự nhiên, và vì yêu ông, bà cũng vẫn sẽ ở bên ông và cho ông tất cả, tự tâm, vì không bị dồn ép bởi tư tưởng “bị xử dụng” .

Rồi từ đó suy ra tôi thấy là trong tình đồng chí sâu nặng, trong tình gia đình êm ấm, trong tình bạn thiêng liêng và tình yêu thăng hoa, quả nhiên không có dấu vết của sự “xử dụng” này. Không có năng và sở chiếm hữu, mà cũng không có “ai đòi ai phải chịu ai” cả. Chỉ có thông tin, bàn tính, suy nghĩ, tính toán rồi lại thông tin, rồi lại bàn tính cho đến khi hoà đồng. Rồi mới sang vấn đề khác. Cứ thế cho đến khi thuận tất cả mới thôi. Tôi nghĩ là trong những quyết định lớn về chính trị hay ngoại giao, bậc Hiền cũng làm như vậy . Tình chăn gối lại còn có những thắng lợi vui hơn : những cái hợp nhau nho nhỏ, những hiểu biết cả cái thói quen hay dở xấu tốt của nhau rồi, những thủ thỉ, những rúc rích người khác không cười mà mình cười được với nhau, những cái ấy đúng là chất keo làm tình và nghĩa không rời xa nhau được. Không bao giờ rời xa nhau nhưng phân lượng của mỗi phần tình và nghĩa ấy luôn ‘du di’ theo trường hợp, hoàn cảnh của thời gian và không gian mà tăng giảm để giữ vững một tiềm năng trọn vẹn đều hoà cho an tâm và hạnh phúc hai người.

Tuy nhiên cái thông tin cho nhau phải đến từ cái tâm vô vị lợi cơ. Vô vị lợi là không nhất định phải gặt hái cho bằng được kết quả mà mình đặt ra từ đầu.


 

Phật gọi cái tâm này là tâm Vô Cầu. Làm hết sức mình cho cái mình muốn, và giang hai tay nhận kết quả với tấm lòng biết ơn. Biết ơn mình, biết ơn người và đời. Nếu chưa vừa ý lại có thể học thêm và bắt đầu lại lần nữa mà. Cuộc sống là một cuộc hành trình vô hạn định, chúng ta không nên ‘hùng hục’ bưng mắt bịt mặt’ đòi cho được một thứ. Trong vô thường, tất cả có thể thay đổi với thời gian và không gian, cái ta muốn chưa chắc đã phải là cái ta cần phải có, và chưa chắc đã là tất cả.

Tôi nghe nói câu này nhiều lần mà mỗi lần vẫn cảm thấy thấm thía như mới nghe lần đầu: *Hãy quên đi mục đích chỗ đến là chỗ nào để vui với mỗi cố gắng đi trên đường trong cuộc hành trình sống*. Từ đó mà thông tin thành thật và thẳng thắn thì ngon lành vô cùng, và không có ai phải chịu ai, trái lại hai bên cùng thắng. Trong khi thông tin, lại cần tỉnh thức để không vô

 

ý thức nói ra những lời không rõ nghĩa, hoang mang, lạc đường. Nói lời nào ra phải như đóng đinh vào cột. Không sai, không bẻ được, Không dùng những chữ hai nghĩa, ba nghĩa, hoặc những chữ chỉ có nghĩa nhất định khi đã dùng trong một thời. Một thời chính trị, một thời kinh tế, một thời đạo đức nào đã qua. Nếu không tỉnh thức thì không nhận được có sự thay đổi của hiện tượng trong thời gian. Có vô thường ngay trong ngôn ngữ, tư tưởng. Tình cảm mất thông tin từ đó sẽ lệch lạc chơi vơi, không còn trôi chẩy êm đềm được nữa.  Nói tóm lại, con người không thể có hạnh phúc khi chỉ biết đòi hỏi phần vui, phần lợi về mình, lại không có trách nhiệm và biết ơn đối với người bên cạnh thì về già không thể tránh được cái trống vắng và cô đơn. Luật nhân quả, cũng như vô thường cùng với thời gian và không gian thật vô tình không chừa ai cả.


                                                                                                                                jennyhoang