Bo Rac (tiếp theo)

                                     của Jenny Hoàng

 

Hôm nay trở lại với bạn đọc tôi vui lắm vì đã lại có một chút gì để chia sẻ. Chia sẻ là một hạnh phúc trong đời tôi. Sáng nay tôi tỉnh giấc với hình ảnh chậu hoa đang được trưng trong phòng khách : hoa nở liên tiếp mấy ngày liền rồi, mùa Đông chẳng làm cho hoa đậu lâu, hôm nay hoa sẽ tàn thôi. Hoa tàn, những cánh mỏng mầu hồng sẫm sẽ rơi xuống chậu rồi ở đó mà khô đi. Làm thêm một chút phân bón quen thuộc cho những bông hoa sau? Một vị Thiền sư đã có lần dạy rằng hoa là rác, rác là hoa... tôi hiểu, nhưng cho tới nay nói chuyện về bồ rác với các bạn tôi mới thấm thía nhận thấy cái nét thực tiễn thâm nhập vào cốt tủy để trở nên một phần của sinh hoạt trong đời tôi. Té ra tôi đã hé mở cánh cửa nhìn thấy mơ hồ câu trả lời cho câu hỏi : Mình có thể tự làm bồ rác cho mình không nhỉ? Tới đây, tôi chồm dậy, mở computer và bắt đầu gõ...

Ở nhà con gái tôi, nó có nhiều hộp, và giỏ đựng rác khác nhau. Rác của nó được chia ra làm nhiều loại: kính, plastic, giấy vụn, báo có thể làm lại thành giấy, rác có chất hoá học, và đặc biệt là rác do những rau cỏ thảo mộc đã qua một đời sống chết với thành-bại-hoại-không . Hộp rác “rau” này, sau khi con tôi đổ vào một thùng lớn ở sau vườn và trộn đều lên với những rác đã ở trong đó thì chỉ một tuần sau tất cả “tơi” thành một chất bột hoặc nâu sẫm hoặc đen đen và mùi bốc lên với khói nhẹ, thoang thoảng thơm thơm và ngọt ngọt. Cháu giảng cho tôi rằng nếu mẹ không cẩn thận mà để lẫn các thứ rác khác như đồ ăn thừa hay rau cỏ hoa lá có chất hoá học hay đã thối rồi thì nguyên cả thùng rác lớn kia sẽ bị nhiễm độc thối hết. Còn nếu không, qua mùa xuân sang năm con sẽ có 1/2 tấn phân bón tuyệt vời cho vườn rau, hoa của nhà và còn có thể có đủ cho hết các bạn của con. Thì ra trong cái thùng rác lớn ở ngoài vườn kia đã có không biết bao nhiêu vi khuẩn của trời đất làm việc suốt ngày đêm để giúp ta chuyển rác thành “không-rác”, và cái không-rác ấy sẽ là một duyên lành vĩ đại cho hoa lá và thảo mộc nuôi sống ta và làm cuộc đời ta tươi mát. Ai bảo rác là đồ bỏ đi nhỉ?

Tôi thành thật vừa xin lỗi vừa cám ơn các bạn đọc đã kiên nhẫn theo tôi đến giòng này. Nếu tôi nói từ đầu rằng bạn có thể chuyển rác thành “không-rác” thì chưa chắc các bạn đã tin tôi, và không khéo giây phút này bạn đã giở qua trang khác, bài khác rồi. Hoang đường! bạn sẽ nói thế sau một tiếng chà! hơi đâu! và một hụm nước tiếp theo sẽ đưa tất cả vào quá khứ.  Nếu tôi may mắn thì may ra tôi sẽ cầm được trí tò mò của bạn. Tôi sẽ không bỏ lỡ dịp may này và sẽ  “vào đề” ngay đây.

Vâng, vâng có thể tự làm “bồ rác” cho mình được mặc dầu lý luận chữ nghĩa không diễn đạt như thế : Chữ nghĩa nói rằng “có rác”, có “đổ rác” tức là phải có chỗ đổ nó đi, không lẽ lại đổ lại vào chỗ mình đứng? Nhưng tôi xin nói ngay là chúng ta không nói đến chuyện đổ rác đi đâu cả, vì lẽ sẽ không còn rác để đổ.   Vấn đề phải đặt lại là: Làm sao chuyển rác có hại thành “không-rác” dùng có ích cho mình và người?

Cái thùng lớn ở sau vườn nhà cháu Vân Thi không ai gọi nó là thùng rác cả mà đương nhiên nó trở thành cái “thùng phân bón”  có cái tên rất quý báu là thùng “compost” cũng như khi chúng ta nói đến nước mắm mà bảo “Dạ, đây là nguyên chất hải sản Phú Quốc số 1 đấy ạ” Đến mùa trồng hoa mà cháu đem cho ai một thùng nhỏ bằng cái thùng đựng tầu hũ thì cả nhà và hàng xóm đều hít hà xuýt soa cười và mắt sáng lên sung sướng lắm. Vì sao? vì cây và hoa thích thứ phân bón này lắm. Chúng nhận ra đấy là bản thân của tổ tiên giòng họ chúng, chúng nhận ra những đức tính và con đường trong sạch ông bà chúng đã đi qua và trở lại làm giầu cho chúng. Chúng biết đó là “thứ thiệt” càng dùng càng bổ ích không có gì phải lo ngại sợ sệt cả.

Tôi đã chứng kiến cảnh ấy nhiều lần mà tại sao tôi không làm được một gạch nối giữa cái thùng compost và cái  tâm đã được giải thoát khỏi khổ đau của “con người”? Rác có thể trở thành compost và khổ đau của “người” cũng có thể chuyển tính và dạng, khi có đủ điểu kiện thuận lợi. Con người khổ đau vì “gậm nhấm tê tái những mảnh quá khứ đã mất” và những “ảo vọng hoang đường về tương lai chưa thành hình” như một người bạn tôi từng nói. Kết quả là  hiện tại ngay ở đây trong vòng tay này mà nhìn xuống chỉ thấy một mớ rác và không có chỗ nào để đổ đi cả. Rác sẽ thối, và sẽ làm ô nhiễm hết cả môi trường chung quanh ta, và ta sẽ chết đi vùi trong một đống rác lớn của chính ta làm ra. Chính ta làm ra, chính ta đã làm ra. Câu trả lời đã đến với tôi từ bốn chữ giản dị này và nó đã cho tôi hứng khởi đi tới bật mí vấn đề “bồ rác”.

 

Có thể có rác rồi làm mất rác đi không? Thưa các bạn rằng có. Chắc không? Chắc chứ, vì sao? vì chính ta làm ra rác ấy.

Tôi xin phép giản dị hoá vấn đề một chút, phát biểu “chung chung” như người ta thường  nói khi nào không có đủ thì giờ và chưa thấu triệt hết chi tiết phải đối phó ra sao. Về chi tiết tôi xin để dành cho quí vị, làm kinh nghiệm riêng, vì  sinh hoạt mỗi người khác nhau, tâm lý không cùng thời gian và môi trường, mình có cách riêng đối xử với mình, với người và với đời, khi không có bảng chỉ dẫn chi tiết mà thành công thì sẽ thú vị hơn nhiều.

Trở lại vấn đề có rác mà không có bồ rác. Tôi coi như các bạn đã đồng ý với tôi là rác của ta là chính ta làm ra. Thú thật đây cũng lại là một đề tài lớn cần phải nói đến trong nguyên một bài viết khác, một lần khác, xin các bạn thông cảm. Tôi lại mang nợ các bạn rồi. Nhưng sẽ cố tìm cách này hay cách khác để trả dần dần .

Vậy coi như chúng ta đã nhất trí là chính ta làm ra rác ấy : Nếu thật chính ta làm ra rác ấy thì ta có thể kiểm soát lượng rác ta làm ra để không làm nhiều hơn số ta có thể chuyển dạng nó thành “không-rác”.

Vậy thì :

Khi  rác đã là “rác của mình làm ra”, và có thể đặt dưới quyền kiểm soát của ta thì  hãy phân biệt rác nào :

 A/ có thể chuyển tính và dạng được

 B/ rác nào không chuyển được? hay khó chuyển?

 Xin trả lời:

A/ rác là một hiện tượng trong vô thường không thể nào sống lâu giầu bền được, sớm muộn gì nó cũng qua, chỉ khác là mau hay chóng và ta có chịu nổi sức tàn phá của nó tới đâu . Các bậc hiền nhân, các bậc thánh thì có thể chuyển hết rác của mình thành tình yêu thương cho nhân loại, nhưng chúng ta thì cứ tạm chia ra những gì có thể làm khẩn cấp, để sống còn trước đã rồi từ từ... phải không các bạn?  khi nhìn được ra rác là rác, biết đặc tính của rác là vô thường thì  cuối cùng rác sẽ đi thôi. Kinh nghiệm này ai cũng có. Có bao giờ có sự đau buồn nào mà không vơi vơi đi với thời gian? Có niềm mong nhớ nào mà cứ ray rứt mãi như buổi ban đầu. An thua là mình nhìn nó ra đi với an tâm mà không cầm chân nó lại vì một lý do tâm lý bất ổn nào đó thì nó sẽ nhẹ nhàng buông ta ra. Cũng như những ngày vui, những chuyện thú vị rồi cũng bỏ ta đi vào quá khứ vậy. Vậy thì khi nhìn được “rác là rác”, hãy coi như màn đầu, và màn“vui vẻ vẫy tay chào ly biệt vĩnh viễn” với rác ấy là một màn cuối đặc sắc và có hậu.

Nói chung thì rác nào cũng chuyển được thành “không rác” với những điều kiện sau đây:

a-  Có sự hiểu biết về vô thường của các hiện tượng xoay vần trong trời đất. Có cái nhìn trách nhiệm về những gì đã và đang xẩy ra cho mình. Có cái nhìn yêu thương và tin tưởng ở sự thật.

b- Sống tỉnh thức, và có gan nhìn tận mặt tâm phiền não loạn động của mình , kiên nhẫn đi tới cùng, lấy kinh nghiệm riêng như vốn liếng đi buôn, dùng tất cả là phương tiện.

c- Chịu khó làm những bước nhỏ thành công trong sự giải thoát khổ đau. Sự ủng hộ của những người thân sẽ là sức mạnh tinh thần  đắc lực cho ta.

-         

B/ Tuy nhiên cũng có rác không chuyển được và cũng có rác rất khó chuyển ?

a- rác nào không chuyển được?

Nói là không chuyển được nhưng cũng không phải là ta không có cách đối phó với nó. Cái độc của “rác” hay là nỗi đau khổ của nhân loại đến từ muôn phương như gió độc vậy. Cái gió: muốn mà không được, lại được những cái không muốn. Cái gió : Người mình thích gần thì ở xa, lại phải ở gần người nguy hiểm không ưa mình. Rồi: Biết ngày sinh mà có ai biết ngày chết, bệnh đến và đi không chừng, lại thấy mỗi ngày cái thân này cứ già yếu, vô dụng và lẻ loi thêm dần dần. Đấy là nói chung chung thôi,, nhưng tạm gọi nó là một số “rác”mà đã làm người, ai cũng đeo trên vai không chuyển đi đâu được. Biết như thế và canh chừng nó tới đâu hay tới đó. Đừng để mình thành nạn nhân của nó là đỡ lắm rồi. Nếu có thể tránh tích-luỹ dồn-dập loại rác này thì tốt, làm thế càng nhiều càng tốt. Con gái tôi chịu khó mang theo mấy cái túi vải hay túi giấy khi đi chợ mua thức ăn , cháu bảo như thế đỡ phải lấy bao nylon.. Ta ăn uống giản dị, tập thể thao đều thì tránh được bệnh tật vô ích và không giao du với người có tâm ô nhiễm thì đỡ số rác này đi nhiều lắm.

Có một nhà thơ đã viết: “Bệnh ở trong người thành bệnh bạn – Bệnh ở lâu đời thành bạn thân”....Cả bệnh và nhà thơ đã  mất gần đây.

Tôi mong là nhà thơ đã qua đời với một nụ cười trên môi.

b- Còn nhiều rác không phải là không chuyển đi được, nhưng khó chuyển lắm, phải công phu “luyện chưởng” lâu năm và có lập trường sống chết với nó. Thí dụ có thứ rác tưởng nó đã đi rồi nó lại trở lại. Chỉ cần một tích tắc mất tỉnh thức là nó len lỏi vào làm chủ nhân ông mình ngay. Đó là số rác có tên là “thói quen” .

Thói quen rất hữu hiệu, rất có lợi nếu là thói quen vui vẻ, thói quen chịu khó, thói quen reo rắc hạnh phúc cho đời, cho người, nhưng cũng có thói quen chui đầu vào rọ đau thương, thói quen đổ tại người khác và thói quen giận dữ, thói quen bủn xỉn và íck kỷ, cũng có thói quen làm chủ nhân ông người khác. Thói quen nào cũng khó tập và khó bỏ cả. Không phải cứ nói sẽ bỏ là bỏ được. Nhiều khi nghĩ là đã tập bỏ thói quen ấy nhuyễn rồi, nhiều khi nghĩ là mình đã “trả bài” nhiều lần rồi, đùng một cái vào việc, thói quen trở lại hoành hành mình không biết lối soay sở. Bất thình lình, cuộc đời đưa ra một trường hợp nào tương tự như khi xưa chưa học, đùng một cái nữa, từ tiềm thức: phản ứng bật ra lại y trang như ngày xưa, “rác” vung vãi tứ tung.  Đôi khi kịp nhìn thấy thì nó đi ngay, để lại một kinh nghiệm quý, một bài học “ngàn vàng”.  Khi không nhìn thấy thì giòng đời mình bỗng bắt nối ngay vào nó (rác) và tiếp tục những đau khổ vô ích. Và hỏi tại sao mình mãi không đắc. Thói quen đã đóng chặt vào như một cái đinh trên tấm gỗ, sâu quá rồi, làm sao mà nhổ ra được. Nhưng biết là nó ở đấy đã là một bước tiến tốt, canh chừng đừng để cho nó làm loạn lên là mình làm chủ  nó chứ gì. Cũng có thể cứ dùng tấm gỗ với cái đinh trong đó làm một việc gì có ích chăng?

 Thói quen cũng tự mình huân tập mà ra cho nên bỏ thói quen cũng phải tự mình làm mới được. Bỏ những thói quen có hại cho mình cho người ,và bắt đầu huân tập những thói quen lợi mình lợi người là một thành tích chuyển rác thành phân bón làm đẹp cho cuộc đời vậy. Thói quen thì quá nhiều, ăn nhập vào tư cách cá nhân và văn hoá của cả một quốc gia dân tộc. Với cái nhìn quán tỉnh và kiên trì ta có thể nhận ra và từ từ... (lại từ từ, không vội được đâu các bạn ơi...) ta sẽ làm chủ nó. Tôi muốn kể ra đây vài cái thói mà thông thường ở đâu cũng có. Đó là : thói quen vô trách nhiệm hiện ra với nóng giận, chỉ tay, đổ tội khi không nhìn thấy nó chính là “rác ta làm ra” đấy. Chỉ tay, đổ tội và ném đá cũng có họ hàng bà con với nhau. Sau đó là những thói quen vô trách nhiệm hiện ra với cái “sợ và chạy trốn” núp sau sầu khổ ưu tư, hay là trong trác táng rượu chè, cờ bạc, cũng như nhau. Cũng có thói quen vô trách nhiệm chỉ lo cho mình thôi, vì ích kỷ cũng là một thói quen.

Có thể bỏ những thói quen này bằng cách :

Thay đổi cái nhìn chủ quan cá nhân bằng một cái nhìn toàn thể, như là tất cả chúng ta đều ngồi chung trong một con thuyền trên cơn sóng dữ.  Nếu còn có người đói khổ thì rất có thể một ngày nào đó sẽ đến lượt ta. Nếu còn có sự áp bức ở một nơi nào đó thì nơi ta ở cũng chưa có an bằng bảo đảm. Có một câu chuyện kể rằng : Trong một bữa ăn ngồi quay mặt vào nhau trên một bàn dài: đông người quá ngồi đụng khuỷu tay nhau chặt cứng không ai gắp, không ai bưng bát để “và” cơm vào mồm được, cứ ngồi cứng ra đó mà nhìn nhau với bụng đói. Một người nghĩ ra, không gắp bỏ được vào miệng mình thì gắp cho người trước mặt vì như thế không cần phải khuỳnh tay sang hai bên. Tất cả đều được no nê vui vẻ.

Kết luận:

a) Thông hiểu nguyên tắc của vấn đề là cần thiết, như biết mình, biết người và biết sự thật nào đang thống chế các hiện tượng trong vũ trụ.

b) Có công cụ kỹ thuật, có môi trường để làm việc chuyển hướng là điều cần thiết.  Cháu Vân Thi làm nghề trồng cây và hoa nên có năm tôi thấy cháu còn dùng cả vỏ cây và gỗ thông xay vụn ra : cuối cùng thành compost tuốt.

c) Có hỗ trợ tinh thần xin đừng bao giờ từ chối. (support)

Như người lái xe đường trường trên xa lộ:

biết mình đi đâu, biết mình muốn gì, và phải làm gì để đến đích đã đành, nhưng

 có một cái xe hơi tốt và cuốn sách chỉ đường rõ ràng thì yên tâm biết chừng nào. Lại có người đi cùng, và có chỗ nghỉ chân vui vẻ an toàn là lý tưởng

 

Trong vấn đề chuyển khổ đau rắc rối tâm lý thành nguồn vui, lợi mình lợi người, chúng ta cần:

a)     

-        Hiểu lẽ vô thường là sự thật trên thế gian. Ngay cả cái gọi là “ không chuyển được” cũng phải có một ngày nó đi thôi.  Như nhà thơ mắc bệnh cho đến khi chết, khi nhà thơ chết thì bệnh cũng phải ra đi chứ gì.

-        Biết trách nhiệm của mình về sự an tâm không phải của riêng mình mà là của cả thế gian. Tuy mình chỉ là một cái đinh ốc nhỏ của một xe hơi lớn, nhưng nếu bất cứ có một bộ phận nào trục trặc mình cũng bị ảnh hưởng. Xe không chạy thì cái đinh ốc chỉ là một cục sắt nhỏ síu vô dụng sẽ có một ngày rỉ, cùn, đáng vứt đi. Chúng ta vì thấy có hàng triệu trẻ em đói bên kia bờ đại dương mà không ăn nhậu phè phỡn. Trách nhiệm và kỷ luật ấy tự ta làm ra có ai bắt buộc đâu. Cái nhìn toàn thể ấy sẽ đưa đến cái thấy: rác chính ta làm ra và chính ta có bổn phận và trách nhiệm sẽ làm nó mất đi.

b)

-        Lòng tự tin là mình làm được, biết mình là chủ động trong kế hoạch thanh lọc thân tâm, cộng với trí suy tư nữa sẽ mang lại kinh nghiệm giải thoát,  kinh nghiệm ấy là công cụ giúp ta học nữa và tiến nữa, chỉ có đi lên mà thôi.

c)

-        Khi ta đi trên đường mới nhận thấy là có nhiều kẻ đồng hành như ta. Khi ta làm việc lợi mình lợi người thì tất nhiên sẽ có sự ủng hộ, không cứ là của người thân và của người cùng chia sẻ lý tưởng mà chúng ta sẽ có sự ủng hộ của vũ trụ vĩ đại ngoài kia nữa.

Vũ trụ xoay vần trôi chẩy với những chu kỳ mà ta khó biết hết, những nhân quả vượt không gian và thời gian đối với ta, nhưng vũ trụ luôn luôn trôi chẩy không vướng vấp. Không  bao giờ ta thấy thời gian  xin lỗi nói: “Năm nay xin lỗi không có mùa xuân, để sang năm đi.” Hay “Trẻ em này sẽ không lớn. Ong cụ này trẻ lại, mẹ không yêu con”. Nói cho ngay, luật vô thường và luật nhân quả chẳng có nghỉ hè một ngày nào.  Gieo hạt nào thì ăn quả ấy. Không lẽ trồng cam mà lại có ớt.

-        Lúc này vũ trụ ủng hộ ta như một kẻ bơi xuôi giòng. Ấy là khi nào ta bơi xuôi giòng cơ. Còn khi ta bơi ngược giòng thì mệt nhọc là tại ta gây ra rồi, còn nói gì nữa... Tôi muốn nhấn mạnh rằng bơi xuôi giòng không phải là cứ ỳ ra để cho giòng nước đẩy đi... mà chống lại độc tài, trừ tham nhũng phản đối bạo lực là bơi theo giòng, làm việc cực nhọc cho hoà bình là bơi theo giòng. Hò hét bảo vệ sự sống và tình thương là bơi theo giòng. Tận lực giúp người yếu đuối nghèo khổ hơn mình là bơi theo giòng. Làm cho người bên cạnh mình vui, làm cho ai đó ai đỡ khổ là bơi theo giòng. Tất cả những việc đó là thói quen mang lại hạnh phúc và sự bình yên cho tâm. Chuyển rác thành “không rác” là chuyển “tâm rối rắm” thành “tâm trong sáng tròn đầy”. Và xuôi giòng là bản tính của Nhân văn thường trú trong ta.

-        Kết quả cuối cùng là ta đã kiểm soát được số lượng tổng cộng của rác, không để cho nó nhiều hơn số mà ta có thể chuyển thành “không rác”. Những rác mà ta không chuyển được, ta giới hạn tối đa môi trường hoành hành của chúng bằng những sinh hoạt lành mạnh.

Việc kiểm soát rác là một quá trình mà với óc tổ chức và lòng kiên nhẫn ta có thể làm được. Nếu như còn sống cuộc đời quá bận rộn với đua chen thì rất khó thành công. Do đó, để có thể làm chủ tình hình không thể không có tỉnh thức và óc quen suy tư trong tĩnh lặng, Tĩnh lặng và suy tư lại cần có không gian trong đầu và thời gian kiên nhẫn đủ để quan sát.

Chắc hẳn có một số các bạn cũng như tôi, còn đang chập chững trên con đường dài chông gai này, tuy dài mà thật ra lúc nào cũng ở dưới chân mình, tuy chông gai mà hoa lá, mà tươi mát, mà thênh thang, mà nhẹ nhàng vô cùng. Nếu không chông gai thì lại không biết hưởng cái hoa lá tưoi mát này, từ đó ta nẩy lòng biết ơn tất cả. Nhất lả cái quý vì có bạn đồng du. Có bạn đồng du cảm thấy mình thêm đôi cánh bay?

                                    Jenny Hoàng

                                                   Dec. 2000